Tại cuộc họp, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một số dự án chưa nộp tiền hoặc nộp một phần sau khi dự án được UBND tỉnh chấp thuận phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Qũy bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh. Các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, các chủ đầu tư là UBND các huyện, thành phố chưa hoàn thành trách nhiệm trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện trồng rừng thay thế.
Về thực trạng một số dự án đầu tư sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách kể từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (từ ngày 1/1/2019), các chủ đầu tư đã thi công nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và trồng rừng thay thế theo quy định gây khó khăn trong công tác quản lý, do hiện trạng đã bị tác động hoàn toàn không có cơ sở để xác định diện tích có rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế...
Đối với tổ chức trồng rừng thay thế, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố rà soát diện tích đất trống thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, quy hoạch rừng phòng hộ, quy hoạch rừng sản xuất, để tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế; hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (đảm bảo không trùng lặp với các chương trình, dự án khác do ngân sách nhà nước đã hỗ trợ), theo nguyên tắc không thấp hơn diện tích đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế, đăng ký gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư và phân bổ kinh phí để thực hiện…
Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì không phải thực hiện xin chủ trương chuyển chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, UBND tỉnh giao:
Những dự án đã tác động toàn bộ hoặc tác động một phần, không còn hiện trạng rừng, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, báo báo UBND tỉnh trước ngày 10/8/2024. Trên cơ sở hồ sơ phương án đền bù hỗ trợ tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở căn cứ lập hồ sơ trồng rừng thay thế theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đảm bảo điều kiện theo quy định.
UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát các Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư kể từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (ngày 01/01/2019) đến nay có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã triển khai thực hiện hoàn thành hoặc chưa hoàn thành (đã tác động làm thay đổi hiện trạng), nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.
Đối với các dự án có sử dụng diện tích rừng tự nhiên chuyển sang mục đích khác, tổ chức thực hiện trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát các dự án chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và nghĩa vụ trồng rừng thay thế tại địa phương.
Thuỳ An