Hóa đơn tăng “khủng”: EVN cần xem xét giá bán lẻ - Hình 1

Mặc dù ngành điện đã đưa ra lý giải của mình, nhưng các hộ dùng điện vẫn phản ứng với giá điện mới.

Hóa đơn tiền điện tăng 35%

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những lý giải về “hiện tượng” này. Theo đó, EVN cho biết, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 ở nhiều địa phương trên cả nước tăng đột biến so với bình thường và coi đây là nguyên nhân làm tăng hóa đơn tiền điện tháng 4. Theo EVN, điện năng tiêu thụ bình quân ngày trong tháng 4 đã tăng khoảng 16% so với tháng 3. Tại Hà Nội, mức tiêu thụ điện tăng từ 47 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3) lên đến gần 58 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4). Trong đó, ngày 20/4 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm với 63,4 triệu kWh. Tính ra, điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tại Hà Nội tăng 16,17% so với tháng 3.

Còn tại TP HCM, sản lượng tiêu thụ từ 71 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3) lên đến trên 83 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4). Sản lượng trong ngày cao nhất là 90,04 triệu kWh (vào ngày 24/4 vừa qua). Tính ra, điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tại TP HCM tăng 15,53% so với tháng 3.

Thống kê về hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tại Hà Nội và TP HCM, EVN cho biết, tính đến ngày 26/4 vừa qua, có hơn 57% số khách hàng tại Hà Nội có mức sử dụng điện tháng 4 tăng trên 30% so với tháng 3. Còn tại TP HCM là hơn 47% khách hàng. Vì vậy, theo EVN, tăng lượng điện sử dụng là nguyên nhân chính làm hóa đơn tiền điện tăng bất thường, nếu không có yếu tố điều chỉnh giá bán điện cuối tháng 3 thì hóa đơn tiền điện trong tháng 4 vẫn tăng lên gần 27%.

Bộ Công thương và EVN cũng thừa nhận, tổng mức tăng thêm trung bình trên hóa đơn tiền điện tháng 4 lên tới 35% so với tháng 3. Và đây là mức tăng cao, khiến người tiêu dùng lo lắng. EVN cũng cho hay, tính từ thời điểm thực hiện điều chỉnh tăng giá điện (20/3) đến ngày 26/4, đã có tới 13.000 ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện. Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, EVN sẽ thực hiện phúc tra đối với những hóa đơn có lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 lần trở lên so với tháng liền kề trước đó.

Cách tính giá bán lẻ “có vấn đề”

Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên gia trong ngành, mấu chốt của “hiện tượng” hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường trong tháng vừa qua, kể từ sau thời điểm giá điện được điều chỉnh lên thêm 8,36%, là do cách tính giá bán điện theo bậc thang lũy tiến của EVN. Cách tính giá điện hiện nay đang có 6 bậc thang, nếu người dân sử dụng càng nhiều điện thì càng phải trả tiền điện nhiều hơn và như vậy, EVN càng có lãi lớn bởi các số điện ở bậc sau sẽ có giá cao hơn bậc trước.

Hóa đơn tăng “khủng”: EVN cần xem xét giá bán lẻ - Hình 2

Theo EVN, lượng tiêu thụ điện tháng 4 tăng đột biến so với tháng 3

Trước đó, theo quyết định 28/QĐ-TTg, nguyên tắc lập biểu giá lũy tiến là để đảm bảo người có thu nhập thấp sẽ được hưởng mức giá thấp nhất, ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện. Theo tính toán của  ngành điện, với mức 50 kWh tiêu dùng hàng tháng chỉ phải trả thêm dưới 7.000 đồng, còn ở mức 100 kWh sẽ trả thêm 13.000 đồng.  Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trên thực tế với điều kiện thời tiết khí hậu như hiện nay, nhu cầu sử dụng điện đã tăng lên cao hơn rất nhiều so với trước đây, số hộ dân sử dụng dưới mức 100 kWh là rất hiếm, do đó cách tính biểu giá điện lũy tiến như hiện nay là không còn phù hợp nữa.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhiều lần nhấn mạnh về việc, cách tính bậc thang giá điện lâu nay bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, gây ra những bất công cho người sử dụng điện. Theo ông Long, chưa cần bàn đến mức tăng giá điện như hiện nay là đúng và đủ, có hợp lý hay chưa, nhưng điều khiến dư luận trăn trở chính là ở cách chia bậc giá bán lẻ điện hiện hành. “Cách chia như hiện nay đang gây ra bất công cho khách hàng, do đó cần phải điều chỉnh lại để tránh những thiệt thòi cho các hộ sản xuất, tiêu thụ điện lớn cũng như người dân” – ông Long đề xuất.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nói về câu chuyện giá điện, điều người dân, dư luận quan tâm hơn hết không phải là tính hợp lý của việc tăng giá điện, mà ở cách thức phân bổ chi phí và minh bạch hóa chi phí trong cơ cấu giá điện. Vẫn còn những yếu tố thiếu minh bạch thì chắc chắn dư luận vẫn còn chưa thể đồng thuận. Ông Doanh cũng nhấn mạnh đến việc, điện là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên giá điện tăng sẽ kéo theo việc các hộ sản xuất bị tăng chi phí, từ đó đẩy giá thành sản phẩm tăng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).

Và trên thực tế, việc giá điện tăng cùng với giá xăng dầu tăng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến từng hộ sản xuất. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Sưa – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá điện đã tăng và giá xăng dầu lại tăng liên tiếp 2 lần chắc chắn khiến cho hoạt động tiêu dùng của người dân và sản xuất của DN gặp khó. Trong đó, ngành thép lại là một trong những ngành tiêu tốn rất nhiều năng lượng để sản xuất. “Khi giá điện tăng đã khiến cho giá thép của nhiều DN sản xuất buộc phải tăng thêm hơn 100.000 đồng/tấn. Với 2 lần tăng gần đây của giá xăng, gánh nặng về chi phí đầu vào của các DN thép sẽ tăng hơn nữa” – ông Sưa cho biết.

Cũng là một DN thuộc ngành công nghiệp nặng, ông Nguyễn Văn Kết – Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho rằng, “cú đúp” giá điện và xăng dầu tăng đang khiến cho áp lực chi phí đầu vào của DN tăng mạnh. “Trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng nhiều do yếu tố cạnh tranh, thì việc tăng chi phí đầu vào đang khiến DN khó chồng thêm khó” – vị giám đốc chia sẻ.    

Quốc Trường