Giá đất tăng lên, hạ xuống nhiều lần
Ngày 26/3/2019, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND TP tháng 3 và quý I/2019. Thông tin bên lề hội nghị cho biết UBND TP Hà Nội đã hoàn thiện đề án xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.
Điều đáng nói là trước thời điểm Hà Nội thống nhất lộ trình 4 huyện lên quận vào năm 2020, thông tin này đã được các môi giới truyền tai nhau và từ cuối năm 2018, giá đất tại 4 huyện trên tăng nhanh bất thường.
Chia sẻ với PV, một người dân tại km 15 quốc lộ 32, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: “Giá đất tại đây nhiều lần tăng lên hạ xuống rồi. Trước đây có thời điểm giá đất trong ngõ này là 80-100 triệu/m2 ở khu vực này, giờ chỉ tầm 60 triệu/m2, còn mặt đường thì là 100 -120 triệu/m2”.
Khu vực đất trong ngõ thuộc huyện Hoài Đức
Một người dân khác chia sẻ: “Trước cửa hàng nội thất Phố Xinh (tmặt đường quốc lộ 32 thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) cách đây mấy năm người ta mưa cả 100 triệu/m2, nhưng giờ 70 triệu/m2 người ta chưa bán”.
Chị Trần Thị Hương, chủ nhà 229 phố Lai Xá cho biết: “Tại thị trấn Trạm Trôi giá đắt hơn ở đây, khoảng 150 triệu/m2 cũng có vì khu vực đó sầm uất. Hay tại khu Kim Chung – Di Trạch, giá 150-200 triệu/m2 cũng có vì nó rất đẹp, cơ sở vật chất cũng được”.
Giá đất hiện tại “không sốt”
Chia sẻ với PV, ông Ngọc Bình, một người dân sống tại đây cho rằng: “Thời điểm trước thì có tăng cao, nhưng hiện tại tôi khẳng định đất ở khu vực này có tăng 30% nhưng không sốt đất”.
“Ở đây là nhu cầu ở thực nhiều, đất ruộng của dân được đền bù thành đất dịch vụ, nhiều khu vực chưa tách được sổ nên cũng khó để bán. Trong ngõ kia có khu vực giá 55 triệu/m2 đó là giá thực bán, trả 50 triệu/m2 người ta cũng không bán đâu”, ông Bình cho biết.
Theo ghi nhận của PV, đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá cao ngất ngưởng: 120-130 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá chào bán 80 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2017. Ngay cả đất ở các xã An Khánh, An Thượng cũng được chào giá 30-40 triệu đồng/m2, tăng 30%-40%.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, việc giá đất tăng tại huyện Hoài Đức là hoàn toàn hợp lý bởi cùng với việc lên quận thì sẽ có những tiêu chí về cơ sở hạ tầng... phù hợp với sự phát triển đô thị. Do đó, việc tăng giá đất là hoàn toàn có căn cứ”.
Tuy nhiên, ông Điệp cũng lưu ý: “Việc tăng giá đất này cũng cần phải thận trọng. Các nhà đầu tư cần tỉnh táo trước thông tin giá đất tăng có cơ sở hay không. Và các cấp chính quyền cũng cần phải có những biện pháp để gia tăng sự minh bạch của thị trường BĐS tại khu vực”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định giá đất tăng đột biến tại 4 huyện này là bất hợp lý, bởi bất động sản chỉ tăng theo tỉ lệ thuận với thực tế đầu tư. Việc đầu tư ở đây là đầu tư đồng bộ hạ tầng, đường sá; đầu tư vào hệ thống xã hội như trường học, bệnh viện, thương mại… nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Khi nào hoàn thiện được tất cả yếu tố trên, theo đúng lộ trình về quy hoạch thì lúc đó giá trị bất động sản tăng lên mới tương xứng. Việc các công ty môi giới, "cò" đất đẩy giá cao như thế rất dễ dẫn đến tình trạng "vỡ bóng bóng", người mua sau cùng (chủ yếu là người dân) khó tránh khỏi thiệt hại.
Đồng quan điểm với ông Điệp, ông Đính cho rằng: “Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát hiện trạng giá đất để có biện pháp chấn chỉnh; đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền truyền để người dân, nhà đầu tư biết, tránh nguy cơ sốt đất ảo với nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến an sinh xã hội.
Trúc Mai