Phung phí ngân sách
Chuyện đầu tư dàn trải, lãng phí vốn là vấn nạn gây nhức nhối dư luận lâu nay. Nhiều kỳ họp Quốc hội cũng đã nói nhiều đến việc chống tham nhũng, thất thoát trong đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trong bối cảnh các bộ, ngành chức năng cảnh báo tỷ lệ thất thoát vốn ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản rơi vào các khoản hoa hồng, quà cáp, lễ lạt động thổ, nghiệm thu, khánh thành, ăn bớt nguyên liệu, “công tác phí” lên tới 20% tổng vốn.
Khu nhà điều hành thuộc dự án “Đầu tư, xây dựng bến đỗ cho đội tàu nghiên cứu biển Việt Nam, trước hết là tàu Nghiên cứu biển” bỏ không nhiều năm không sử dụng
Vậy nhưng, các dự án ra đời từ ý muốn chủ quan nông cạn, tính phô trương cũng như thói ăn theo dự án vẫn không hề giảm, việc vung tay ném tiền qua các công trình, dự án vẫn tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia pháp luật là cho đến nay vẫn chưa có các biện pháp chế tài đối với những cơ quan và cá nhân liên quan đến việc lập, thẩm định và triển khai thi công các dự án. Vậy nên, việc không ai chịu trách nhiệm gì về hiệu quả, chất lượng các dự án cũng là điều dễ hiểu.
Tại dự án: “Đầu tư, xây dựng bến đỗ cho đội tàu nghiên cứu biển Việt Nam, trước hết là tàu Nghiên cứu biển” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm chủ đầu tư là một minh chứng rõ nét nhất cho việc đầu tư hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước.
Theo tìm hiểu của PV, dự án “Đầu tư, xây dựng bến đỗ cho đội tàu nghiên cứu biển Việt Nam, trước hết là tàu Nghiên cứu biển” thực hiện từ năm 2011 - 2014, được kéo dài đến năm 2016 với tổng mức đầu tư là trên 163,5 tỷ đồng. Mục tiêu đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả đội tàu nghiên cứu biển trong công tác điều tra, khai thác và quản lý tài nguyên môi trường biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Dự án được xây dựng trên phần diện tích 2,86 ha đất tại xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.
đường dây điện loằng ngoằng được mắc tạm bợ trên cọc tre là cãi "bẫy chết người" đặc biệt nguy hiểm
Có mặt tại khu vực triển khai dự án, PV nhận thấy nơi đây rất vắng vẻ, hoang sơ. Qua quan sát, tại bến đỗ và cầu dẫn, một số hạng mục đã bị xuống cấp; các thiết bị được trang bị cho bến đỗ sử dụng không đúng quy định; thiết bị chống cháy đầu tư hàng tỷ đồng bị hư hỏng; các phao báo hiệu đường thủy bị trôi dạt; bến cầu tàu cho thuê chở cát, đá và ca nô bị hư hại không sử dụng được.
Mặc dù đã hoàn thành từ năm 2016 nhưng cho đến nay, dự án này vẫn nằm “đắp chiếu” chưa đi vào sử dụng. Bởi lẽ, là do luồng tuyến vào Bến bị cạn nên các tàu nghiên cứu không thể vào neo đậu được. Như vậy, hơn 100 tỷ đồng đầu tư vào dự này coi như lãng phí, trong khi hàng năm nhà nước phải bỏ ra số tiền từ 300 – 400 triệu đồng để thuê người bảo vệ trông coi bến đỗ.
Cần xử lý nghiêm minh
Thực tế cho thấy, để phòng chống tham nhũng, lãng phí từ những công trình, dự án tiền tỷ là một cuộc chiến dài hơi. Khi mà các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy theo kiểu “bình sữa ngân sách” không bao giờ cạn thì câu chuyện lãng phí đầu tư công chưa thể chấm dứt.
Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lãng phí, bên cạnh cần kiểm soát chặt chẽ nguồn chi ngân sách thì việc xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức trong việc tham mưu, đề xuất và phê duyệt, quyết định đầu tư các công trình là rất quan trọng.
Bởi thực tế, trước mỗi lần quyết định đầu tư, duyệt chi ngân sách, Bộ, ngành, địa phương nào cũng khẳng định dự án của mình là quan trọng, là cần thiết. Những lô đất vàng bị “xà xẻo”, những công trình phung phí, hoang hóa đều có địa chỉ, có hồ sơ rõ ràng nhưng không có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Thiết bị chống cháy đầu tư hàng tỷ đồng nhưng bị hư hỏng
Theo một chuyên gia kinh tế, cần phải xử lý nghiêm minh đối với các hành vi trực tiếp gây ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư sai, kém hiệu quả, gây lãng phí... Nếu nhẹ có thể xử lý kỷ luật, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy, mới ngăn chặn được tình trạng những người có thẩm quyền cứ vô tư phê duyệt, quyết định đầu tư xây dựng công trình, dự án dù biết chắc là không khả thi và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sự phát triển của đất nước.
Trở lại câu chuyện dự án “Đầu tư, xây dựng bến đỗ cho đội tàu nghiên cứu biển Việt Nam, trước hết là tàu Nghiên cứu biển” thực hiện không hiệu quả, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước thì trách nhiệm phải thuộc về đối với người ký Quyết định phê duyệt cho dự án này. Ngoài ra, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư mà ở đây là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khi chưa đánh giá được tính khả thi, hiệu quả của dự án.
Bến cầu tàu được đơn vị quản lý cho thuê làm nơi tập kết VLXD
Theo Luật đầu tư công năm 2014 đã quy định rất rõ về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công từ các khâu ban đầu như quyết định chủ trương đầu tư sai hay lập, thẩm định dự án có hành vi vi phạm dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của các tổ chức tư vấn thiết kế, cơ quan thẩm định cũng được quy định rõ là trong trường hợp thiết kế sai, thẩm định sai dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại. Đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án,... luật cũng quy định rõ trong trường hợp để xảy ra thất thoát, lãng phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ca nô bị hư hại không sử dụng được
Luật đã nêu rõ ràng như vậy nhưng trên thực tế, việc xử lý kỷ luật còn quá nhẹ không đủ sức răn đe. Chính vì vậy, phải gắn trách nhiệm của những cán bộ có liên quan với công trình ngay từ đầu. Không thể đợi cho đến khi những công trình xây xong, không phát huy tác dụng hoặc bỏ hoang rồi mới đi tìm trách nhiệm của những người phê duyệt, cấp phép, thi công để xử lý, như thế là quá muộn.
Qua câu chuyện sử dụng ngân sách Nhà nước không hiệu quả gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại dự án “Đầu tư, xây dựng bến đỗ cho đội tàu nghiên cứu biển Việt Nam, trước hết là tàu Nghiên cứu biển”, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Kiểm toán nhà nước cần vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ. Nếu phát hiện ra sai phạm, phải xử lý nghiêm minh. Chỉ như vậy, mới chấm dứt tình trạng phung phí ngân sách Nhà nước như một căn bệnh kinh niên nhiều năm không thuốc men nào chữa trị nổi.
Ngọc Linh