Đây là thông tin đáng khích lệ về việc tỉ lệ giao dịch rút tiền ATM giảm, đã phản ánh về các hoạt động giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đang gia tăng mạnh trong xã hội.

Trong năm 2020, trung bình hằng tháng NAPAS phục vụ 11,5 triệu khách hàng chủ thẻ và 18 triệu khách hàng chủ tài khoản tại hơn 50 ngân hàng thành viên. Số liệu thống kê các giao dịch TTKDTM qua NAPAS trong năm 2020 đạt hơn 1,2 tỷ giao dịch, tương tứng 10 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 75% về số lượng và 121% về giá trị so với năm 2019. Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM qua NAPAS giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020 thể hiện xu thế phát triển TTKDTM theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá cao những nỗ lực của NAPAS đạt được năm 2020 và đề nghị NAPAS cần tập trung thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả một số nội dung công tác trọng điểm trong năm 2021.

Theo đó, một là, Công ty khẩn trương thông qua chiến lược phát triển hoạt động công ty giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, trong đó, NAPAS cần xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ phục vụ ngân hàng và các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ; dẫn đầu định hướng thị trường về công nghệ, giải pháp thanh toán; xây dựng kế hoạch chi tiết trung hạn, dài hạn và cụ thể hằng năm nhằm mục tiêu triển khai thành công chiến lược đã đề ra.
Hai là, vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, bảo đảm an toàn an ninh, ổn định, thông suốt, nghiên cứu triển khai các chính sách chương trình ưu đãi về phí dịch vụ chuyển mạch nhằm đồng hành với các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh; khuyến khích thanh TTKDTM; triển khai các giải pháp TTKDTM tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế được hưởng những tiện ích thanh toán điện tử, bảo đảm phát triển cân bằng, bền vững cho nền kinh tế.

Ba là, phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thực hiện chuyển đổi thẻ chip nội địa theo đúng lộ trình tại Thông tư 41; xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa với các sản phẩm thẻ chip đa ứng dụng, thẻ trả trước nội địa, thẻ tín dụng nội địa, trong đó coi thẻ tín dụng nội địa là giải pháp quan trọng mang lại tiện ích cho người dùng và góp phần đẩy lùi tín dụng đen; mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán…

Bốn là, triển khai tích hợp kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tiếp tục mở rộng hình thức thanh toán và phạm vi kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; ưu tiên đối với các dịch vụ công thiết thực cho người dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội.

Năm là, tập trung nghiên cứu đưa ra các định hướng nhanh trong ứng dụng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào cung ứng dịch vụ và công tác quản trị nội bộ; nghiên cứu đánh giá toàn diện các nhu cầu dùng chung phục vụ chuyển đổi số, triển khai ngân hàng số của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, NAPAS cần phải xây dựng các giải pháp phân tích dữ liệu, cảnh báo, phòng ngừa phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đáp ứng yêu cầu an ninh, an toàn, bảo mật và phòng ngừa rửa tiền trong hoạt động thanh toán. Về nhân sự, NAPAS cần kiện toàn nhân sự cao cấp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hà Trần