“Mốt” của học sinh nhưng là nỗi sợ của phụ huynh
Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay rất đáng báo động. Trong đó, hút thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới đang trở thành trào lưu, len lỏi mạnh vào các trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống cũng như sức khỏe của học sinh. Nhiều học sinh xem việc hút thuốc lá điện tử là cách thể hiện sự sành điệu, bắt “trend” của giới trẻ và nó không độc hại!
Em N.V.H (học sinh lớp 11 tại một trường trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hút thuốc lá điện tử đang là “mốt” trong giới học sinh hiện nay. Ban đầu em sử dụng vì tò mò, được bạn bè rủ rê, bảo là để thể hiện bản lĩnh, nhìn rất “ngầu” nên em cũng dùng thử cho biết.
“Lúc đầu hút cho vui, nhưng hút nhiều sẽ thành một thói quen khó bỏ, bây giờ không hút thì em cảm thấy khó chịu” – học sinh này chia sẻ.
Sau những giờ học, tại các quán cà phê, cửa hàng giải khát gần trường học là địa điểm quen thuộc của nhiều học sinh, trong đó có H.V.T, một học sinh trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Hút thuốc lá điện tử và nhả khói không ngừng với đủ hình dạng khác nhau, H.V.T cho biết: “Theo dõi trên mạng xã hội, em thấy người nổi tiếng ở nước ngoài đã sử dụng thuốc lá điện tử này và thấy thích nên em bắt chước học theo. Có nhiều người bảo thuốc lá điện tử này có hại, nhưng cũng có nhiều người bảo là không hại gì cả”.
Việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình.
Chị L.T.A có con đang học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn Quận 5, TP. Hồ Chí Minh bức xúc cho hay: “Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc lá điện tử được sản xuất, giả dạng giống như thỏi son, USB, bút... với nhiều hương vị khác nhau, nếu không phải người sử dụng thì sẽ rất khó nhận biết đấy là tẩu hút thuốc lá điện tử. Các cháu còn trẻ người non dạ, chưa hiểu hết các tác hại của thuốc lá điện tử. Ở nhà thì mình căn dặn con đấy nhưng nó ra ngoài, mình không thể kiểm soát được. Chỉ cần học theo chúng bạn là bập vào ngay. Sợ nhất là nguy cơ bệnh tật cho các con”.
Đồng quan điểm, anh L.B.V. chia sẻ: “Thực sự đau đầu với vấn nạn thuốc lá và thuốc lá điện tử, nhà tôi không ai hút thuốc lá, thế nhưng mới đây tôi phát hiện con trai tôi mới học lớp 11 đã sử dụng thuốc lá điện tử. Ở nhà nó không hút, khi đến trường mới cùng các bạn sử dụng. Chỉ đến khi mình kiểm tra cặp sách của nó mới phát hiện. Mặc dù tôi đã tịch thu nhưng vẫn rất lo lắng, vì không biết nó có giấu bố mẹ để hút tiếp hay không”.
TP. Hồ Chí Minh tăng cường xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử
Tác hại của thuốc lá điện tử với sức khỏe người dùng đã nhiều lần được cảnh báo. Nhưng trên thực tế, chúng vẫn được nhập lậu bằng mọi con đường và rao bán công khai, dễ dàng đặt mua trên các trang mạng xã hội.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, tạm giữ 15.541 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, gồm: Thuốc lá điện tử, tinh dầu và phụ kiện với tổng giá trị hơn 5,2 tỷ đồng và đã xử phạt 347 triệu đồng.
Điển hình như vào ngày 5/3/2024, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công an Phường Hiệp Thành Quận 12 đã tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh tại trên đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 46 chai tinh dầu dùng cho máy hút thuốc lá điện tử hiệu Vaptized Venture, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng; 42 cái Đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử hiệu ZQ, và 20 cái Máy hút thuốc lá điện tử không có tinh dầu hiệu Vapor Storm. Tổng cộng 158 đơn vị sản phẩm hàng hóa nêu trên do Trung Quốc sản xuất, tổng trị giá hàng hóa là 18.200.000 đồng. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Gần đây nhất là ngày 16/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 16, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại địa chỉ số 710 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân và phát hiện tại đây đang kinh doanh 76 máy hút thuốc lá điện tử có kèm tinh dầu hiệu Vapmod do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ, với tổng giá trị là 21,2 triệu đồng nên đã tạm giữ để xử lý theo quy định.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tiếp tục tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khi sử dụng, đặc biệt đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Cần chế tài xử lý nghiêm
Trao đổi với Thương hiệu và Công luận, Luật sư Đặng Văn Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết, cũng như nhiều người trưởng thành hút thuốc lá và thuốc lá điện tử, trẻ em sử dụng loại thuốc lá điện tử và cho rằng hút thuốc lá điện tử là sang trọng, đẳng cấp và vô hại hoặc có tác hại không đáng kể đến sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế lại ngược lại.
“Tổ chức WHO, từng khẳng định bất kỳ một sản phẩm thuốc lá nào đều có hại cho sức khỏe. Sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay có hơn 15.000 hương vị, hầu hết các hương vị đều thu hút giới trẻ. Đặc biệt, thuốc lá điện tử còn được phối trộn những hợp chất, hóa chất bên ngoài vào khi mà các con tiếp cận với những hóa chất bên ngoài đó sẽ gây ngộ độc cấp cho cơ thể”, luật sư Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Dũng, những địa điểm cấm hút thuốc lá được quy định tại Điều 11 Chương II Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 (Luật số: 09/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012) như sau:
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này và Khoản 1 Điều 12 của Luật này.
Do đó, hành vi hút thuốc lá nói chung và hút thuốc lá trong khuôn viên cơ sở giáo dục (cụ thể là trường trung học phổ thông) là hoàn toàn trái pháp luật.
Tại Điều 16 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 cũng nêu rõ: Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá…
“Đối chiếu quy định trên thì bán thuốc lá cho thiếu niên 16 tuổi (học sinh cấp 3) là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm”, luật sư Dũng khẳng định.
Trước những vấn nạn thuốc lá điện tử đang tràn vào học đường, khiến nhiều học sinh sử dụng một cách khó kiểm soát như hiện nay, thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để kiểm soát con em mình hơn nữa. Nhà trường cũng cần tăng cường tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng, để các em hiểu rõ những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có thêm những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán thuốc lá điện tử đang diễn ra tràn lan như hiện nay.
Ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Chiến lược nhấn mạnh việc tiếp tục “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.
Hoàng Bách