Trụ sở Học viện Phụ nữ Việt Nam
Theo ánh của bạn đọc, thời gian vừa qua Học viện Phụ nữ đã bổ nhiểm nhiều vị trí Trưởng phòng gồm: Trưởng phòng đào tạo, Trưởng phòng tổ chức hành chính và Trưởng phòng hợp tác quốc tế… chưa đủ tiêu chuẩn, đi ngược với Điều 17 Khoản 2 tại Quyết định số 70/2014/QĐ- TTg ngày 10/ 12/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành điều lệ trường Đại học.
Cụ thể, Điều 17, Khoản 2, Quyết định số 70/2014/QĐ- TTg ngày 10/ 12/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành điều lệ trường Đại học quy định: “Trưởng phòng phải có trình độ đại học trở lên. Riêng Trưởng phòng quản lý đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ và có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm; Trưởng phòng hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đối với trường hợp bà Trịnh Thị Vân Oanh hiện đang giữ chức Trưởng phòng đào tạo tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhưng không đạt chuẩn trình độ tiến sĩ và chưa đủ 5 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học. Bà Phạm Thị Diễm đang là Trưởng phòng tổ chức hành chính nhưng chưa đủ 5 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học. Bà Đào Hương Thủy (vợ của ông Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam) đang giữ chức Trưởng phòng hợp tác quốc tế nhưng chưa đủ 5 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học?.
Để làm rõ thông tin này, chiều ngày 9/3/2018, PV Báo Thương hiệu & Công luận đã có buổi làm việc với bà Phạm Thị Diễm - Trưởng Phòng tổ chức hành chính và bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Bà Hà Thị Thanh Vân cho biết, do điều kiện Học Viện mới chuyển từ trung cấp lên nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng thậm chí là vị trí lãnh đạo cũng không thể tuyển được trong suốt 5 năm qua. Vì vậy, Học viện có xin bố trí bổ nhiệm Thạc sĩ trong trường hợp không có tiến sĩ và cũng phù hợp với điều luật của các trường đại học mở. Các đối tượng được bổ nhiệm đều đã tham gia vào quá trình đào tạo trung cấp trong khi một trường đại học thì không thể khuyết những vị trí trên. Quá trình bổ nhiệm các vị trí trên được làm theo quy định chung của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong quá trình bổ nhiệm những vị trí trên phía Học viện không tự quyết định mà vẫn phải xin chủ trương.
“Tôi khẳng định việc bổ nhiệm những người này vào các vị trí trên không phải là quá trình bộc phát mà là quá trình đã có từ trước, ví dụ như trường hợp của bà Phạm Thị Diễm, hiện đang là Trưởng phòng tổ chức hành chính, bà Diễn được bổ nhiệm 2007 trước khi có Học viện và Giám đốc Học viện đã quyết định tái bổ nhiệm năm 2013, trước khi điều lệ đại học ra đời. Hiện tại bà Diễm vẫn chưa đủ điều kiện giảng dạy 5 năm đại học, theo đó, nếu theo quyết định số 70/2014/QĐ- TTg ngày 10/ 12/ 2014 của Thủ Tướng Chính Phủ thì phải đến tháng 9/2018, bà Diễm mới đủ điều kiện này”. Bà Vân cho hay.
Bà Phạm Thị Diễm - Trưởng Phòng Tổ chức hành chính và bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam làm việc với PV
Cũng theo bà Vân cho hay: “Đối với trường hợp bà Trần Thị Vân Oanh hiện đang giữ vị trí Trưởng phòng đào tạo nhưng chưa đạt tiêu chuẩn tiến sĩ, ban Giám đốc đã họp bàn xin “nới cơ chế”. Cụ thể, tại Điều 2, Quyết định số 435 về việc bổ nhiệm bà Oanh có ghi rõ trong thời gian được bổ nhiệm đồng chí Oanh phải hoàn thành bằng cấp đăng kí nghiên cứu sinh đúng theo quy định, nếu như trong thời gian hạn bạn ấy không hoàn chỉnh được thì chắc chắn sẽ phải điều chuyển sang vị trí khác.
Đồng chí Oanh được bổ nhiệm ngày 12/11/2015 và đến giờ này đồng chí ấy vẫn chưa hoàn thành nghiên cứu sinh. Nếu trong 2018 đồng chí Oanh vẫn không có bằng Tiến sĩ thì Học viện sẽ thay đổi lại vị trí Trưởng phòng đào tạo”.
“Đối với rường hợp của bạn Đào Hương Thủy hiện đang giữ chức Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, trước kia đồng chí này làm việc ở Viện Nghiên cứu Phụ nữ. Tại đây, bà Đào Hương Thủy đã được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng, sau đó bà Thủy được Trung ương hội điều chuyển về làm thư ký trong thời gian 3 năm. Bà Thủy đã được chủ trương chuyển ngang về Học viện để làm Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và câu chuyển bổ nhiệm bạn ấy vào vị trí trưởng phòng là vì bà Thủy đã được bổ nhiệm vào vị trí trưởng phòng trước đó…”. Bà Hà Thị Thanh Vân nhấn mạnh.
Khi được hỏi, tại sao ở Học viện Phụ nữ có Tiến sĩ, nhưng lại bổ nhiệm Thạc sĩ vào những vị trí Trưởng phòng trên? Bà Vân cho rằng: “Việc bổ nhiệm Trưởng phòng trở lên thì phải lấy tín nhiệm toàn trường và họ có chuyên môn sâu, thời gian công tác lâu dài. Còn những tiến sĩ đang công tác ở Học viện thì là mời về giảng dạy bộ môn…?”.
Khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến việc bổ nhiệm những vị trí Trưởng phòng nêu trên, thì bà Vân từ chối, đồng thời cho biết sẽ gửi văn bản trả lời cụ thể đến tòa soạn.
Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, nhưng tòa soạn báo vẫn chưa hề nhận được văn bản trả lời nào từ phía Học viện Phụ nữ, như bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam “hứa”?
Có thể thấy, việc Học viện Phụ nữ Việt Nam bổ nhiệm bà Phạm Thị Diễm làm Trưởng phòng Tổ chức hành chính, bà Trần Thị Vân Oanh làm Trưởng phòng Đào tạo là chưa đúng với Điều 17 Khoản 2 tại Quyết định số 70/2014/QĐ- TTg ngày 10/12/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành điều lệ trường đại học, đẫn đến việc phát sinh đơn thư khiếu kiện nhiều lần. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
NPV