Lê ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội và Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường quan hệ hữu nghị và xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Thanh Hóa.Lê ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội và Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường quan hệ hữu nghị và xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Thanh Hóa.

Tham dự Hội nghị kết nối đầu tư Nhật Bản - Thanh Hóa năm 2020 có các ngài: Yamamoto Kohei, Bí thư phụ trách thương mại đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội; ông Đỗ Hoàng Nhất, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ngành của tỉnh, các doanh nghiệp đang đầu tư, sản xuất trên địa bàn Thanh Hóa.

Theo đó, Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay toàn tỉnh thu hút 134 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,25 tỷ USD, trong đó có 15 dự án FDI của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký khoảng 12,815 tỷ USD (vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản khoảng 6,558 tỷ USD, chiếm 46% tổng vốn đầu tư FDI và là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa).

Trong đó, một số dự án quy mô cấp Quốc gia như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Xi măng Nghi Sơn… đã có tác động lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế địa phương, thúc đẩy các doanh nghiệp vệ tinh của địa phương cùng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hóa có hơn 12.000 tu nghiệp sinh sang làm việc tại các xí nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa sang thị trường Nhật Bản dự kiến năm 2020 đạt 385 triệu USD với các mặt hàng chủ lực là hàng dệt may, da giày, thủy hải sản, sản phẩm cói, thủ công mỹ nghệ, bao bì…

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Nhật Bản chủ yếu là nguyên liệu hàng may mặc, vải, lưu huỳnh dạng hạt, ph/xylen.

Từ năm 1997 đến nay, Thanh Hóa đã tiếp nhận 10 chương trình, dự án ODA của Nhật Bản với tổng số vốn cam kết khoảng 45,5 triệu USD, chiếm gần 10% tổng vốn ODA thu hút vào tỉnh…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh: Hội nghị Kết nối đầu tư Nhật Bản - Thanh Hóa 2020 là dịp để tỉnh Thanh Hóa giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, tạo điều kiện doanh nghiệp Thanh Hóa kết nối, giao lưu học hỏi với doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời tạo ra một không gian mở tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà đầu tư Nhật Bản, để tỉnh Thanh Hóa có thể làm tốt hơn nữa công tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mong muốn trong thời gian tới các cơ quan, tổ chức quốc tế và nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa trong các lĩnh vực ưu tiên, như: Công nghiệp lọc hóa dầu, sản xuất sản phẩm sau lọc hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, dệt may, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, công nghệ sinh học, dược phẩm.

Cùng với đó là đầu tư kết nối du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đầu tư xây dựng hệ thống bệnh viện, trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao, đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế hàng đầu của khu vực Bắc Trung bộ. Đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ, sân bay, cảng biển và khu dịch vụ hậu cần Logistics, cơ sở hạ tầng đô thị, cấp nước và xử lý nước. Đây là 5 trụ cột tăng trưởng và là định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cũng đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản và các tổ chức quốc tế của Nhật Bản tại Việt Nam, đặc biệt là Cục Đầu tư nước ngoài quan tâm hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa thành lập bộ phận JAPAN DESK với sự tham gia của các chuyên gia, cố vấn Nhật Bản để trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, tìm hiểu đầu tư kinh doanh tại Thanh Hóa; tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm năng đến khảo sát, triển khai các dự án hợp tác đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa. Phối hợp với tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến dành cho doanh nghiệp Nhật Bản tập trung trong từng lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cụ thể.

Bên cạnh đó, đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản, các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trên các tài liệu, ấn phẩm, website tới cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản ở trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa, bao gồm: cung cấp thông tin cập nhật nhất về định hướng, chính sách, dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; thực hiện quy trình, thủ tục hành chính ngắn gọn; bàn giao mặt bằng dự án sạch; hỗ trợ hạ tầng cơ bản đến chân hàng rào dự án; hỗ trợ thu hút và đào tạo lao động và sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ khó khăn trước, trong và sau khi đầu tư.

Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện “Hai đồng hành” và “Ba cam kết”.

Đó là đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư và tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Công ty TNHH Aeon Mall Việt NamLễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam

Những câu hỏi của các doanh nghiệp Nhật Bản gửi tới hội nghị, tỉnh Thanh Hóa sẽ trả lời bằng văn bản với 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Nhật Bản và tiếng Anh. Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức Nhật Bản để tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề của tỉnh Thanh Hóa dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản; xúc tiến thành lập JAPAN DESK ở tỉnh Thanh Hóa để làm cầu nối hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư Nhật Bản.

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem trình chiếu video clip: “Thanh Hóa - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”; nghe ý kiến phát biểu của của Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam; Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa; Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều ý kiến chia sẻ nhiệt tình, tâm huyết của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản để giúp cho tỉnh Thanh Hóa làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, ngài Yamamoto Kohei, Bí thư phụ trách thương mại đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết: Thanh Hóa là tỉnh lớn trên cả nước. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn có 67% dân số ở độ tuổi lao động đã qua đào tạo, và trên địa bàn tỉnh có 1 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, như: Idemitsu Kosan, Marubeni, Sakurai,Yada Industry… đã và đang đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn đang được vận hành, như: Dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 được xây dựng bằng nguồn vốn vay của Nhật Bản; Dự án Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Dự án Nhà máy Xi măng Nghi Sơn và Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đang được triển khai xây dựng. Điều này cho thấy trong các tỉnh, thành của Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Chính phủ Nhật Bản cũng đang hỗ trợ các công ty chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Đông Nam Á nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, và Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản.

Ngài Yamamoto Kohei cho biết, rất mong tỉnh Thanh Hóa tích cực thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, không bỏ lỡ cơ hội trong bối cảnh cơn sốt đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Vỉệt Nam đang dâng cao. Theo ngài Yamamoto Kohei, Hội nghị kết nối đầu tư Nhật Bản - Thanh Hóa 2020 là một cơ hội rất tốt để hai bên làm rõ và thảo luận về các vướng mắc khi doanh nghiệp Nhật Bản thúc đẩy đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Khi lựa chọn địa điểm đến đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng 6 điểm chính, đó là: Hệ thống quy định pháp luật và thủ tục hành chính hoàn thiện; Hạ tầng điện nước và đường giao thông hoàn chỉnh; nguồn lực lao động chất lượng cao; việc thành lập bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản; cung cấp thông tin; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam về dự án “Trung tâm thương mại Aeon Mall tỉnh Thanh Hóa” với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 190 triệu USD; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường quan hệ hữu nghị và xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Thanh Hóa.

Hoài Thu