Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan là Hội nghị có quy mô lớn với 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Liên minh Châu Âu và đại diện các Đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam. 

Diễn đàn Hợp tác Á - Âu còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu là một diễn đàn liên khu vực được chính thức thành lập vào năm 1996 theo sáng kiến chính trị để tạo dựng mối quan hệ đối tác mới giữa Châu Á và Châu Âu nhằm tăng cường giao lưu và hiểu biết giữa hai châu lục. Điểm nổi bật của ASEM là đối thoại không chính thức, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác bình đẳng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. ASEM mở ra cơ hội cho các nhà xây dựng chính sách và các quan chức thảo luận các vấn đề quan tâm chung về chính trị, kinh tế, xác hội, hỗ trợ cho công việc được thực hiện tại các diễn đàn đa phương khác như Liên Hiệp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chính trị, an ninh - kinh tế và văn hóa xã hội và hợp tác hải quan trong diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh - kinh tế với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO. Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan được tổ chức 2 năm một lần luân phiên nghĩa vụ đăng cai giữa Châu Á và Châu Âu.

Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng hải quan ASEM phê duyệt.

Trong giai đoạn 2018-2019, hợp tác hải quan ASEM gồm 4 ưu tiên chính đã được thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 12 năm 2017 tại Đức: Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; Đấu tranh chống hàng giả và thực thi Quyền sở hữu trí tuệ; Bảo vệ xã hội và môi trường; Kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM. Đây cũng là 4 ưu tiên xuyên suốt hoạt động hợp tác hải quan ASEM kể từ năm 2009 đến nay. Do vậy, các nội dung thảo luận của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam cũng sẽ xoay quanh 04 ưu tiên này nhằm mục tiêu đề xuất, xây dựng và thống nhất các chương trình hoạt động cụ thể để đưa vào Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM cho giai đoạn 2020-2021.

Dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên nói trên, đồng thời nhằm thực hiện cam kết của các Nhà Lãnh đạo ASEM tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM vào tháng 10/2018 tại Bỉ trong việc tăng cường kết nối ASEM, tăng cường an ninh và an toàn cho các công dân ASEM, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy cải cách WTO và thực thi các nghĩa vụ của các thành viên WTO trong đó có việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO, thúc đẩy hợp tác ASEM về thương mại qua biên giới, dự kiến, các chương trình hoạt động trong Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 sẽ bao gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; Thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain); Kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ cao; Chiến dịch hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải; Hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; Kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin. Hợp tác ASEM trong các hoạt động quá cảnh và chuyển tải và quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.

Tuyên bố Hạ Long thể hiện cam kết của các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM về các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong tương lai cũng như Kế hoạch Hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 với các chương trình hoạt động được chính thức thông qua tại Hội nghị này.

Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về gian lận thương mại, an ninh, chống khủng bố, vận chuyển trái phép hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với quy mô lớn...

Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong kế hoạch hành động ASEM 2020 - 2021, Hải quan Việt Nam cũng sẽ chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, lễ tân, hậu cần để quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế.

Anh Minh