Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, trong những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam. Sắp tới, Ủy ban quốc gia về CPĐT sẽ được thành lập với Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch CPĐT, cũng như các giao dịch điện tử nói chung, việc có một cơ chế xác thực điện tử an toàn là hết sức cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn thông tin. Sử dụng chữ ký số là một trong các giải pháp xác thực điện tử an toàn, được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, Thứ trưởng chia sẻ.
Việt Nam hiện có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đang hoạt động, để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử. Bên cạnh đó, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã cấp hơn 60.000 chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có vấn đề về liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số. Vấn đề này đang được giải quyết ở nhiều nước trên thế giới theo những cách khác nhau, phụ thuộc vào mô hình quản lý Nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình tổ chức/cấu trúc của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, thực tế sử dụng chữ ký số của người dân và các giải pháp cụ thể được sử dụng.
Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, từng bước giải quyết vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay, đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm ở các nước có ứng dụng chữ ký số phát triển mạnh như Hàn Quốc, HongKong, Đài Loan sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề liên thông chứng thực chữ ký số. Từ đó, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT có thể tham khảo, nghiên cứu, đề xuất cách thức giải quyết vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia đã có bài tham luận “Các hệ thống chứng thực chữ ký số tại Việt Nam”. Tham luận nêu rõ, những vấn đề đặt ra về liên thông bao gồm: Sử dụng chứng thư số công cộng do các CA khác nhau cung cấp; sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch với người dân, doanh nghiệp; sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ khi kê khai thuế; tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng chữ ký số, có thể sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho mọi giao dịch; hỗ trợ quá trình chuyển đổi chuẩn SHA-2.
Thanh Bình