Tại hội thảo quốc gia “Xây dựng nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu” do Trường Đại học Thương mại và Trường Đại học Lao động và Xã hội đồng tổ chức có sự góp mặt của nhiều vị lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước như: GS.TS  Phạm Vũ Luận – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Trịnh Minh Anh – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế.

Về phía đơn vị tổ chức có sự tham gia của GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại; PGS.TS. Lê Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lao động Xã hội… cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành khác.

Hội thảo Quốc gia có sự góp mặt của nhiều vị lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nướcHội thảo Quốc gia có sự góp mặt của nhiều vị lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cùng chia sẻ tham luận với 5 chủ đề chính như: Đào tạo công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập Quốc tế; Tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng công dân toàn cầu; Định hướng của Nhà nước cho nhân lực hội nhập để người Việt Nam có thể làm việc ở mọi nơi; Nhu cầu lao động có kỹ năng và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa; Quản lý nhà nước về di chuyển lao động của Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao chất lượng chuyên môn của Hội thảo thông qua 80 bài nghiên cứu với hơn 832 trang trong bộ kỷ yếu với rất nhiều tác giả là GS, TS có trình độ và kinh nghiệm thâm sâu.

Bên cạnh đó, GS.TS. Nguyễn Mại – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho rằng chủ đề Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số hóa và kinh tế số đã tạo nên sự biến đổi to lớn và nhanh chóng đối với kinh tế, xã hội và mọi mặt của đời sống con người

Cũng tại hội thảo, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Chủ tịch công ty cổ phần King Broker, Trưởng BTC Lễ hội việc làm Job Festival chia sẻ: Tôi chia công dân toàn cầu làm 4 cấp độ: "Thứ nhất là những người có khả năng lưu trú đa quốc gia; Thứ hai những người có khả năng làm việc tại đa quốc gia; Thứ ba những người có khả năng lãnh đạo & thành công trong môi trường đa quốc gia; Thứ tư là những người có tầm ảnh hưởng quốc tế". Chúng ta cần nhiều hơn những cá nhân có tầm ảnh hưởng quốc tế và một trong những đối tượng phù hợp nhất để ươm mầm và đào tạo siêu công dân toàn cầu là những cá nhân kiệt suất, họ đã có một trí tuệ tư chất vượt bậc, nếu được bồi dưỡng vễ ngoại ngữ, kĩ năng mềm, tư duy và giáo dục đầy đủ về sứ mệnh và tinh thân yêu nước chắc chắn ở tương lai không xa những con người này sẽ kiến tạo đất nước, nhân bản công dân toàn cầu  một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, PGS.TS. Lê Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động và Xã hội cho hay công dân toàn cầu còn thể hiện ở khả năng hòa nhập với cộng đồng, cách thức làm việc nhóm. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam tiến bộ so với thời kỳ hội nhập hóa rất nhiều. Chương trình đạo tạo QTNL của các ngành đào tạo của Việt Nam hoàn thiện nhiều và nội dung đào tạo có chất lượng hơn. Công dân toàn cầu cần gì thì các Trường Đại học, cơ sở đào tạo nên đào tạo cho các sinh viên các kỹ năng mềm như kỹ năng hùng biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, cách thức tiến hành công việc để sinh viên có cách xử lý tương ứng, để ngành đào tạo QTNL có thể thích ứng trong bối cảnh mới.

Kết thúc buổi hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn – Trưởng Khoa Quản trị nhân lực, Đại học Thương mại – Chủ tọa Hội thảo đại diện BTC trân trọng cám ơn những tham luận và chia sẻ quý báu nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý lao động, quản trị nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học với tổ chức, doanh nghiệp trong đào tạo.

Hội thảo này còn là chương trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Thương mại, 10 năm thành lập Khoa Quản trị nhân lực và 60 năm thành lập trường Đại học Lao động và Xã hội.

Khái niệm thuật ngữ công dân toàn cầu gần đây được nhắc đến rất nhiều dưới góc độ của các nhà quản trị nhân lực. Thực tế cho thấy xu hướng công dân toàn cầu đang được sự quan tâm rất lớn của xã hội và các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Khi Thế giới chung một ngôn ngữ, kiến thức, trong quá trình toàn cầu hóa có một nhóm người sống và làm việc qua nhiều quốc gia khác nhau, những người này nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và trở thành hình mẫu cho một kiểu công dân toàn cầu.

Huy Trung