Trong chuyến thăm và làm việc 05 ngày tại Việt Nam, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh dự kiến sẽ có nhiều hoạt động như: đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ, thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, tham dự chiêu đãi chính thức, dự diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ... Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh dự kiến sẽ có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam .

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân góp phần quan trọng vào tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực thực chất hơn, phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân mỗi nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ (17/11/1954-17/11-2024).

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. Ảnh Reuters.

Về phía Việt Nam, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân mời Tổng thống Mông Cổ và phu nhân thăm Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn coi trọng quan hệ, hợp tác hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ phát triển toàn diện, thực chất, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Về hợp tác kinh tế, hai nước ký Hiệp định về hợp tác thương mại vào năm 1996. Do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Mông Cổ duy trì ở mức khiêm tốn. Trao đổi ngoại thương những năm 1994-1995 đạt 5-6 triệu USD. Đến năm 2020 đạt khoảng 50 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 80 triệu USD, năm 2022 đạt 85 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2023 đạt 76 triệu USD. Trong đó Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các loại hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tân dược của Mekopharm, Bidipharm, Hậu Giang, Habaco, thuốc lá Sài Gòn, cà phê G7, phở khô, bia Saigon... Mông Cổ xuất sang Việt Nam chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da...

Hai bên đang nỗ lực mở rộng các mặt hàng hai nước có thế mạnh như các mặt hàng nông, thủy sản, tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm thịt gia súc, da giày của Mông Cổ.

Về hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên duy trì hợp tác hiệu quả, thực chất và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Mông Cổ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA/LHQ khóa 2008-2009 và 2020-2021, ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO khóa 2010-2013 và thành viên Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025, ủng hộ ứng cử viên Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa(CLCS), nhiệm kỳ 2023-2028.

Phía Việt Nam ủng hộ Mông Cổ tham gia BCH ECOSOC nhiệm kỳ 2010-2013, sẵn sàng hỗ trợ, giúp Mông Cổ mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và gia nhập APEC khi tổ chức này kết nạp thành viên mới.

Thiên Trường (t/h)