Thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra với Thủ tướng là đại dịch Covid-19 hiện nay đang bùng phát trở lại mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam là nước có nền kinh tế mở nên sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Do vậy, dự kiến tăng trưởng GDP đạt khoảng 6% trong năm 2021 có thể không đạt được. Chính phủ có những giải pháp đột phá nào để đạt mức tăng trưởng GDP là 6%, Chính phủ đã xây dựng kịch bản cho GDP tăng trưởng thấp hơn 6%?.

Năm 2020, Việt Nam bội chi ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 84.000 tỷ đồng, nếu tăng trưởng GDP thấp hơn 6%, con số tuyệt đối của nợ công và trả nợ sẽ cao hơn dự kiến mà Bộ Tài chính xây dựng. Vậy Chính phủ có những giải pháp nào để tăng thu ngân sách và sử dụng vốn hiệu quả, không làm tăng nợ công?.

Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn đứng thứ 7 trong ASEAN thì mục tiêu vào nhóm 4 dẫn đầu ASEAN vẫn còn nhiều thách thức. Việc liên kết phát triển vùng, tồn tại những vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách thực thi ở cấp vùng, vai trò đầu tàu dẫn dắt trong quá trình phát triển của trung tâm lớn cấp vùng chưa rõ nét?.

Hay các vấn đề về về văn hóa xã hội, môi trường, y tế, phòng chống thiên tai, chiến lược phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa… cũng được đặt ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có khoảng 120 phút vừa báo cáo và vừa giải trình những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Kết thúc 2 ngày chất vấn vừa qua (6/11 và 9/11) của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, có 92 đại biểu chất vấn; 27 đại biểu chờ chất vấn và 6 đại biểu chờ tranh luận. Các vấn đề đại biểu tập trung chất vấn là: một số vấn đề về phòng chống tham nhũng thời gian qua, câu chuyện về cải cách hành chính giúp doanh nghiệp và người dân thuận tiện, ứng phó với thiên tai, bài toán giữa phát triển thủy điện và bảo vệ diện tích rừng, quy hoạch treo ảnh hưởng đang ảnh hưởng đến người dân, đổi mới chương trình sách giáo khoa, tự chủ các cơ sở giáo dục…

Minh Đức