Đây là cơ hội để tỉnh Bình Phước giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Phước; qua đó, giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã giới thiệu với các doanh nghiệp tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Theo đó, Bình Phước có vị trí nằm ở khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ, giữ vai trò chiến lược, quan trọng trong hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, đặc biệt là với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham 2024. |
Tỉnh Bình Phước có diện tích hơn 6.800km2, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 110km; đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho trồng các cây công nghiệp dài ngày như cao-su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bình Phước là thủ phủ của Việt Nam về cây cao-su và cây điều, với diện tích cao-su khoảng 243.000ha và diện tích cây điều khoảng 150.000ha. Ngoài ra, tỉnh có quỹ đất sạch dồi dào để phát triển các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, Bình Phước có hơn 80% thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh để được hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả tại chỗ.
Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ.
Các doanh nghiệp khối Liên minh châu Âu tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước. |
Với “nền tảng 4 tốt” (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt), Bình Phước xác định mục tiêu hướng đến là đáp ứng tốt nhất các nhu cầu phục vụ, làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến với tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp EuroCham”.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á chia sẻ, Bình Phước có vị trí chiến lược, tài nguyên đất đai dồi dào, đây là những cơ hội đầu tư hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.
Bên cạnh đó, Bình Phước cũng là ứng cử viên lý tưởng cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp đến từ khối Liên minh châu Âu rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng nguyên liệu cho phát triển chăn nuôi bền vững; hợp tác phát triển bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu.
Tham dự và phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao ý nghĩa và mục đích của diễn đàn. Theo ông Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp EuroCham không chỉ có thế mạnh về công nghệ mà còn có năng lực tài chính và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Do vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn góp phần phần đóng góp tích cực hơn vào kinh tế-xã hội.
Theo Nhandan.vn