Ngoài dự án nhà ở xã hội thì UBND TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là 82.274 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân khoảng 212.661 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục thực hiện di dời các hộ dân sống ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn.
Đồng thời, thực hiện việc xây mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng xuống cấp; nâng cấp các khu dân cư hiện hữu góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị; tiếp tục xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Sẽ có 30.000 căn nhà ở xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020. Ảnh minh họa: TTXVN
Cụ thể, mục tiêu của Kế hoạch là tăng thêm tổng diện tích sàn nhà ở tối thiểu là 40 triệu m2 sàn; nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đến năm 2020 tối thiểu là 19,8 m2/người, trong đó ở khu vực đô thị (bao gồm 19 quận) là 16,3 m2/người và khu vực nông thôn (bao gồm 5 huyện) là 20,9 m2/người.
Đối với nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 31.228.000 m2 sàn xây dựng. Nhà ở trong các dự án tăng thêm khoảng 8.772.319 m2 sàn xây dựng. Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2.204.000 m2 sàn xây dựng.
Việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 đến 2020 của UBND TP HCM được nhiều người dân đồng tình ủng hộ, bởi khi Kế hoạch được triển khai sẽ giúp nhiều người có cơ hội được sở hữu nhà ở, chung cư.
Bên cạnh đó, việc tăng diện tích tối thiểu sẽ giúp người dân có được nhiều hơn các tiện ích, không gian sống thoải mái hơn.
Trước đó, Sở Xây dựng Tp. HCM cũng cho biết, giai đoạn 2016–2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất hơn 140ha với quy mô hơn 44.700 căn và phấn đấu hoàn thành khoảng 30.000 căn trong năm 2016; trong đó, hiện đã có 8 dự án khởi công với hơn 4.200 căn, và 12 dự án đã được chấp thuận đầu tư (gần 12.000 căn) và 19 dự án đã công nhận chủ đầu tư hoặc chủ trương đầu tư.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố giao UBND các quận huyện vùng ven rà soát quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất sạch cho xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; đồng thời cho phép hoán đổi quỹ đất công có diện tích lớn hơn 1ha lấy quỹ đất nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê đối với các đối tượng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thuộc các dự án chỉnh trang đô thị hoặc di dời ven kênh rạch.
Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội; điều chỉnh lãi suất vay mua nhà ở xã hội ở mức từ 3% đến 3,5%/năm, thời hạn cho vay tối thiểu 20 năm, ân hạn cho người vay chưa phải trả lãi từ 6 tháng đến 3 năm. Tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp. HCM (HoREA) cũng đề xuất phương án huy động vốn để triển khai chính sách nhà ở xã hội, đồng thời kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí khoảng từ 500 tỷ đến 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Đại diện HoREA cũng kiến nghị Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường trình Tp. HCM phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, để hình thành các khu đô thị vệ tinh dành cho người có thu nhập thấp và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn.
Hải Đăng