Theo ông Nguyễn Văn Huyên, Tổng cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam cho biết: Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bắt đầu phổ biến kế hoạch tuyên truyền và dán thẻ định danh ô tô trên toàn quốc. Nhiều đơn vị vận tải cho biết, họ chưa được tuyên truyền hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên vẫn còn một số băn khoăn liên quan tới việc dán thẻ định danh, cũng như vẫn hoài nghi tính hiệu quả của công nghệ.
Những lo ngại về việc mở tài khoản giao thông và quản lý sao cho minh bạch, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, mỗi khi xe qua trạm, chủ xe sẽ nhận được tin nhắn trừ tiền phí. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an... là cơ quan quản lý Nhà nước có nhiệm vụ giám sát cũng có thể truy nhập hệ thống bất kỳ thời điểm nào để kiểm soát vấn đề thu này.
Trạm thu phí thông minh, quản lý giám sát giao thông thông minh sẽ mang lại sự minh bạch
Được biết, hệ thống thu phí tự động không dừng đã được thí điểm từ năm 2010. Đến năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai dự án thu phí không dừng trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên. Hiện trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 39 trạm đang tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (32 trạm trên Quốc lộ 1 và 7 trạm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 35 trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và 4 trạm do địa phương quản lý) trong đó có 2 trạm dự kiến không triển khai hệ thống thu phí không dừng (trạm Tào Xuyên đang dừng thu, trạm cầu Rác có thời gian thu còn lại ngắn).
Theo đó, tuyến Quốc lộ còn lại, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với công ty vận hành, khai tác các tuyến cao tốc để triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng trên các tuyến cao tốc, tổ chức làm việc với các địa phương và các nhà đầu tư BOT còn lại để thống nhất lộ trình triển khai hệ thống ETC. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tăng cường công tác đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, xây dựng kế hoạch chi tiết về việc gắn thẻ đầu cuối trong năm 2018.
Công tác triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan của Bộ làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư điều chỉnh, thực hiện thống nhất một công nghệ thu phí tự động không dừng tại tất cả các dự án. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu đảm bảo tính bảo mật, chống làm giả thẻ Etag cũng như có cơ chế phát hiện xử lý vấn đề này.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ nhà đầu tư BOT triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tại các trạm thu giá còn lại trên toàn quốc; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương, các hiệp hội vận tải tổ chức dán thẻ Etag cho phương tiện.
Theo tính toán, nếu tất cả các trạm BOT áp dụng công nghệ thu phí tự động, mỗi năm, sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng; tiết kiệm 233 tỷ đồng chi phí nhiên liệu; tiết kiệm thời gian tham gia giao thông tương đương 2.800 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng quản lý giám sát giao thông thông minh sẽ mang lại sự minh bạch và quan trọng hơn, nhiều người đã nhận thấy, nếu giám sát minh bạch, rất có thể thời gian thu phí của các trạm BOT sẽ được rút ngắn hơn.
Quốc Trường