Cục Thú y lấy mẫu thịt heo, gà tại các cơ sở để kiểm tra các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư kháng sinh. Kết quả lấy mẫu cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt heo, thịt gà tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh không đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật lên tới 26,31%.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Internet)
Riêng tại Hà Nội và Hà Nam, tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, kinh doanh chiếm tới 98/180 mẫu, tương ứng với 54,54%. Các mẫu này không đạt chỉ tiêu vi sinh, nhiễm vi khuẩn Salmonella, E.coli. Trong khi đó, dù vẫn có vi phạm song tại TPHCM và Long An, tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh vật chỉ chiếm tỷ lệ thấp là 1%.
Theo Cục Thú y, so với kết quả giám sát thường kỳ năm 2019, tỷ lệ mẫu không đạt các chỉ tiêu vi sinh vật tăng 17,31%. Cục Thú y cũng đã ban hành công văn cảnh báo gửi tới các đơn vị, hộ kinh doanh vi phạm và Chi cục Thú y để xử lý vi phạm, khắc phục tình trạng trên, đồng thời yêu cầu các Chi cục Thú y có biện pháp giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống trên địa bàn.
6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 44 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 và 11 ổ dịch cúm dia cầm A/H5N1. Số gia cầm mắc bệnh và phải tiêu hủy là 176.000 con. So với cùng kỳ 2019, số ổ dịch tăng 4 lần và số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy cao hơn 7 lần.
Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm nhỏ lẻ, đặc biệt là các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm sau dịch tả lợn châu Phi, gia cầm chưa được tiêm vaccine cúm.
Nửa đầu năm, cả nước cũng phát sinh 831 ổ dịch tả châu Phi. Trong đó 26 ổ dịch phát sinh mới, 265 ổ dịch tái phát và 540 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019. Tổng số lợn tiêu hủy là 36.000 con, tổng trọng lượng khoảng 1.800 tấn.
Hà Trần