Ảnh internet.
Hơn 90% người tiêu dùng được hỏi khẳng định sẽ ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam. Ảnh internet.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ở kênh bán lẻ hiện đại, tỷ lệ hàng Việt bày bán tại siêu thị, cửa hàng của các doanh nghiệp trong nước hiện chiếm hơn 90%; tại các hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam, hàng Việt Nam từ 60% - 96%. Ở kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tạp hóa cũng chiếm từ 60% trở lên.

Đại diện Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông tin, sức mua hàng Việt ngày càng tăng cao, có hơn 90% người tiêu dùng cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt khi đi mua sắm; 75% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt…

Lý do người tiêu dùng chọn hàng Việt Nam, được lý giải là “chất lượng hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn rất nhiều và đa dạng về mẫu mã sản phẩm, giá thành cũng là khá hợp lý. Cá nhân tôi ưu tiên sử dụng hàng Việt, phù hợp với nhu cầu hiện nay cũng như giá thành được thiết kế để phù hợp với túi tiền của người Việt”,chị Nguyễn Thu Huyền, người tiêu dùng ở quận Hà Đông, TP. Hà Nội chia sẻ.

Bà Trần Thị Hoa, đại diện cửa hàng ở quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, chuyên bán cho người Hàn Quốc bày tỏ: Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, thay vì lựa chọn bánh mứt, kẹo ngoại nhập, cửa hàng chúng tôi nhập nhiều hàng Việt. Nhưng, nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc lại thích thú, ưu tiên lựa chọn các đặc sản của Việt Nam để mua ăn Tết.

Ảnh internet.
Hơn 90% người tiêu dùng được hỏi khẳng định sẽ ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam. Ảnh internet.

Qua trao đổi, người tiêu dùng Hàn nói rằng, bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực Miền Bắc Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM cho biết: “Đơn vị bán lẻ có những bước chuyển mình để phù hợp nhất. Thứ nhất là lựa chọn kênh bán lẻ phù hợp. Thứ hai là đa kênh bán hàng, không phải phục vụ riêng cho những đối tượng mà trước đây đã phục vụ, bây giờ có những thế hệ mới, các bạn có những nhu cầu khác phải thay đổi cho kịp thời.

Thứ ba, các doanh nghiệp cân đối các danh mục sản phẩm. Ví dụ như là bây giờ mua hàng không những thiết yếu mà thiết yếu trong thiết yếu, do vậy, Saigon Co.op phối hợp với nhà sản xuất công tác chuẩn bị, thực hiện một số công tác bình ổn. Không riêng Saigon Co.op, các đơn vị khác cũng có những hình thức thay đổi để làm sao phù hợp”.

Bộ Công Thương dự báo, doanh thu kênh bán lẻ tạp hóa của Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029 tăng trưởng bình quân 6,3%, trong đó chuỗi đại siêu thị, siêu thị, minimart và cửa hàng tiện lợi tăng trưởng khoảng 9,6%.

Những yếu tố này đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ, đồng thời đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước cho hàng Việt Nam chất lượng toàn cầu, hàng Việt Nam có chất lượng quốc gia và thương hiệu quốc gia.

PV (t/h)