Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ diễn ra từ hôm nay, ngày 2 đến 4-6. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có hơn 910.000 học sinh đăng ký dự thi tại hơn 2.300 hội đồng coi thi.

Bộ thành lập 11 đoàn thanh tra coi thi

Sáng 1-6, học sinh (HS) khối 12 trên cả nước có mặt tại các hội đồng thi để xem phòng thi, số báo danh, nghe phổ biến quy chế để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, toàn quốc có tổng số 910.831 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, hệ THPT có 823.796 em, hệ giáo dục thường xuyên là 87.035 em.

Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi trên cả nước đã hoàn tất và sẵn sàng. Về phía Bộ GD&ĐT đã chủ động và sớm ban hành các văn bản như Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức thi, hướng dẫn ôn tập, tổ chức tập huấn nghiệp vụ coi thi, sử dụng phần mềm. Bộ cũng đã gửi công văn đến các ban, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác phối hợp tổ chức thi. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ đã đến một số hội đồng thi ở các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương rất chủ động, có trách nhiệm, sáng tạo trong việc tổ chức thi, nhất là với những buổi thi có hai ca thi… Công tác chuẩn bị đề thi đã hoàn tất, thực hiện đúng quy trình.

Bộ GD&ĐT cũng tăng cường công tác thanh tra trước, trong và sau kỳ thi. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thi, Bộ đã thành lập 11 đoàn thanh tra coi thi đến thanh tra, giám sát liên tục tại tất cả các địa phương trong cả nước. Ngoài 11 đoàn thanh tra, Ban Chỉ đạo thi thành lập các đoàn kiểm tra, đi kiểm tra đột xuất (không báo trước) các hội đồng thi ở các địa phương.

Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản chỉ đạo thanh tra các sở GD&ĐT phải thành lập đường dây nóng và cử cán bộ trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phối hợp các lực lượng liên quan xử lý kịp thời các phản ánh về kỳ thi tốt nghiệp năm 2014. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở cung cấp số điện thoại và tên cán bộ trực đường dây nóng gửi về Thanh tra Bộ GD&ĐT. Bộ cũng đã công bố đường dây nóng phản ánh thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của Thanh tra Bộ là 0936315334.

Đổi mới đề thi theo lộ trình

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi với các môn thi. Ngoài hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn), các thí sinh được quyền lựa chọn hai trong số các môn còn lại (Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ). Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, số lượng thí sinh tự chọn môn Hóa học nhiều nhất, với 524.782 thí sinh, chiếm 57,62% tổng số thí sinh dự thi. Thấp nhất là môn Lịch sử, chỉ có 104.959 thí sinh chọn thi, chiếm 11,52% tổng số thí sinh dự thi.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi sẽ phù hợp thời gian làm bài của môn đó và đặc biệt là phù hợp mục tiêu làm sao bảo đảm độ tin cậy, đánh giá được mức độ của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi năm nay có điểm mới ở hai môn: Môn Ngữ văn có phần đọc hiểu, Ngoại ngữ có thi viết. Tuy nhiên, sự đổi mới là có lộ trình. Tất cả các nội dung này đã được hướng dẫn, được giáo viên ôn tập. Phần cân hỏi mở thì đã được thực hiện nhiều năm nay trong kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi đại học. “Các em học sinh hãy tự tin, đề không làm khó các em. Thậm chí các em còn có thuận lợi hơn ở chỗ năm nay, đề không yêu cầu nặng về việc phải nhớ máy móc sự kiện, kiến thức có sẵn mà các em có thể vận dụng linh hoạt kiến thức để giải quyết vấn đề”, ông Trinh nói.

Điểm mới lớn nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là việc thay đổi cách xét đỗ tốt nghiệp. Theo đó, thay vì việc điểm thi quyết định 100% sự đỗ - trượt thì năm nay điểm thi chỉ chiếm 50% trọng số, 50% còn lại là điểm học lực lớp 12. Điều này giúp kỳ thi bớt căng thẳng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ “chạy” điểm. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, cho biết: Theo quy chế, toàn bộ các khâu của quá trình tổ chức thi được phân cấp cho các sở. Do đó, điểm trung bình lớp 12 cũng được các sở quản lý và cập nhật.

Qua kiểm tra cho thấy, các sở đã chủ động xây dựng các giải pháp quản lý để bảo đảm tính khách quan, đặc biệt là phòng ngừa các hiện tượng “phóng điểm”. Hiện nay, rất nhiều trường đã sử dụng phần mềm quản lý điểm, tỷ lệ này ở trường THPT là khoảng 80%, trung tâm giáo dục thường xuyên là 50%. Giải pháp công nghệ này đem lại sự thuận lợi trong quản lý. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, đặc biệt là các trường hợp vi phạm quy chế, đặc biệt là các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.

Theo Thời nay