Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại "trái ngọt".

Theo HSBC, đầu tư FDI vẫn được duy trì mạnh mẽ và chỉ tới đợt giãn cách nghiêm ngặt trong năm 2021 mới bị ảnh hưởng nhẹ. Tổng vốn FDI đăng ký từ 1/1 tới 20/11 tăng 0,1% với 1.577 dự án được cấp phép mới còn tổng vốn thực hiện giảm 4,2%. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm tăng 17,5% giúp thặng dư thương mại có xuất siêu nhẹ. 

Cũng theo HSBC, tăng trưởng còn dựa trên việc tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng. Cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam. Từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch. 

HSBC: Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm 2022
HSBC: Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm 2022.

Ngoài ra, HSBC cho biết cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục "tiếp thêm nhiên liệu" cho các hoạt động kinh tế. Đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26. 

Cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước. 

"Đây tất nhiên là một mục tiêu rất tham vọng. Nhưng nếu theo dõi tình hình ở Việt Nam thường xuyên, chúng ta sẽ hiểu vì sao không nên hoài nghi khả năng của Việt Nam và người dân trong việc đạt những mục tiêu và thử thách họ đặt ra cho bản thân", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans đánh giá 

Bên cạnh đó, chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11 cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ tư khởi phát từ hồi tháng 4. Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua và tâm lý vững tin đang dần trở lại bất chấp vẫn còn nhiều trở ngại do lao động chưa trở lại nhà máy. 

"Khi gián đoạn sản xuất và những áp lực dồn nén trong chuỗi ứng toàn cầu được "xả" bớt. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy sự phục hồi mặc dù cần sẵn sàng đón nhận bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xuất khẩu tăng trưởng chậm lại khi các thị trường phát triển bắt đầu chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho biết. 

Cũng theo ông Tim Evans, nếu cơn khủng hoảng Covid-19 qua đi, thế giới sẽ có một chu kỳ đầu tư vốn lớn diễn ra trên diện rộng, đảm bảo nhu cầu điện tử công nghiệp sẽ duy trì mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. 

Trong phần khuyến nghị, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng cần theo dõi sát sao một số vấn đề để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai. Một chỉ số cần giám sát kỹ là giá năng lượng đang tăng lên. Hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước. 

"Quan điểm hiện tại của chúng tôi là nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, chúng tôi đánh giá lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Chính phủ", ông Tim Evans cho biết. 

Ngoài ra, ông Tim Evans  cho rằng yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là COVID-19. Theo quan điểm của Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.

Trúc Mai