Nhiều tiềm năng, lợi thế
Hữu Lũng là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Huyện có tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và đường sắt liên vận quốc tế chạy qua, rất thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, dịch vụ và du lịch với các tỉnh trong cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch của địa phương nói riêng.
Huyện có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm rừng núi, sông suối, hồ; các hệ sinh thái; hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử; danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa bản địa của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan (có các làn điệu hát Then, hát Lượn, hát Lượn cổ Tày, Nùng; múa Chầu, múa Sư tử...).
Đặc biệt, Hữu Lũng là một trong năm huyện nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lạng Sơn mà UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt. Đây là những lợi thế to lớn của huyện trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt với những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh, có thương hiệu, hấp dẫn du khách.
Thời gian qua, du lịch Hữu Lũng đã có những bước phát triển và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, nổi bật là các điểm du lịch: Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, Yên Thịnh; du lịch văn hóa tâm linh Đền Bắc Lệ, Đền Quan Giám Sát...
Ngoài đặc điểm tự nhiên của vùng miền núi phía Bắc có khí hậu ôn hòa, Hữu Lũng còn sở hữu nét đẹp tự nhiên của núi, rừng, thảo nguyên... Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá, rất phù hợp để khai thác các các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, giải trí thể thao mạo hiểm, khám phá và du lịch nghỉ dưỡng núi. Trong đó phải kể đến là thảo nguyên Đồng Lâm (xã Hữu Liên), với diện tích rộng 100 ha, trải dài 1,5 km, với những cánh đồng cỏ xanh, thảm thực vật phong phú, những vách núi đá hoang sơ, hồ nước trong xanh, thác nước và suối... mang vẻ đẹp hùng vĩ, hữu tình.
Nét đặc trưng của thảo nguyên Đồng Lâm là những đàn ngựa được chăn thả tự do, đa phần là giống ngựa thuần chủng, được người dân huấn luyện để du khách chụp ảnh hoặc thuê xe ngựa tham quan.
Phía cuối thảo nguyên có một hồ nước nhỏ, khách du lịch có thể đi bè quanh hồ ngắm nhìn khung cảnh xung quanh và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên. Thảo nguyên Đồng Lâm thích hợp cho các hoạt động du lịch sinh thái, cắm trại và thể thao leo núi.
Cùng với đó, khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên trải rộng trên toàn bộ xã Hữu Liên là khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, với diện tích khoảng 8.300 ha.
Với hệ sinh thái phong phú, tính đa dạng sinh học cao (có 30 loài thực vật và 61 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam) cùng nhiều hang động, suối ngầm và hồ ngập nước theo mùa… khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên hấp dẫn khách du lịch bởi khung cảnh hoang sơ mang vẻ đẹp như bức tranh sơn thủy.
Tài nguyên du lịch văn hóa
Trên địa bàn huyện còn có núi đá vôi ở xã Yên Thịnh có địa hình, địa chất đặc biệt và cảnh quan thiên nhiên thích hợp tổ chức hoạt động leo núi thể thao ngoài trời. Hiện nay, khu vực này có 8 điểm leo núi với khoảng 120 đường leo được đặt tên riêng theo các các cấp độ từ dễ đến khó.
Núi đá vôi Yên Thịnh có đường leo nhiều chặng dài nhất Việt Nam gồm 5 chặng, cao 105 m. Núi đá Yên Thịnh được đánh giá rất độc đáo từ kết cấu vật chất, địa hình các đường leo đến cảnh quan thiên nhiên, có khả năng khai thác loại hình du lịch thể thao mạo hiểm.
Đến với du lịch Hữu Lũng, du khách còn có thể thăm quan hang Dơi (xã Thiện Tân). Đây là hang dơi lớn nhất miền Bắc với diện tích khoảng 3 ha, chiều cao của hang khoảng 150 m, ăn sâu vào trong lòng núi.
Bốn bên hang Dơi rộng là những bức tường bằng đá vôi có rất nhiều nhũ đá với hình thù hoa văn rất đẹp, vào bên trong hang khách du lịch sẽ nghe thấy những âm thanh của Dơi, tiếng nước chảy, tiếng gió rít trên đỉnh hang tạo nên vẻ kỳ bí.
Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, hang Dơi còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền thoại được gìn giữ và lưu truyền đến nay. Hang Dơi có khả năng khai thác sản phẩm du lịch khám phá hang động và tìm hiểu lịch sử.
Thác Sa Dầu (xã Yên Thịnh), nước của thác được bắt nguồn từ hồ Mỏ Ảng theo các khe núi đá vôi chảy xuống. Sườn thác được bao phủ bởi lớp rêu và địa y tạo màu xanh cho nước, vào mùa hè thác chảy tung bọt trắng xóa, tiếng nước chảy cùng thảm thực vật xanh ngát xung quanh tạo nên khung cảnh đẹp mắt hấp dẫn khách du lịch tham quan, vãn cảnh.
Đặc biệt, Hữu Lũng còn có hồ Nong Dùng (xã Hữu Liên), hồ nước được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi với hệ sinh thái rừng bao phủ tạo ra nền nước trong xanh, mát lạnh. Tại đây, du khách có thể chèo mảng hoặc thuyền kayak trên hồ, tham quan, vãn cảnh, thư giãn...
Đến với Hữu Lũng, khách du lịch còn có thể tham quan và tắm mát tại các hồ trong núi với làn nước trong mát như: Hồ Mỏ Mây, hồ Mỏ Cả, hồ Lân Cút (xã Yên Thịnh), đập Lân Vằn (xã Quyết Thắng), hồ Cấm Sơn (xã Hòa Lạc), hồ Cai Hiển (xã Tân Thành), hồ Khuôn Pinh (xã Hòa Sơn), hồ Chiến Thắng (xã Đồng Tiến).
Bên cạnh nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, huyện Hữu Lũng còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, nét đặc trưng về văn hóa bản địa của các dân tộc, hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa, chứa đựng nhiều yếu tố đặc sắc hấp dẫn khách du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 84 di tích, bao gồm 4 di tích lịch sử; 72 di tích kiến trúc nghệ thuật; 6 di tích khảo cổ và 2 di tích danh thắng. Trong số đó có 16 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh…
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hữu Lũng, Khổng Hồng Minh cho biết:
Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang hoàn thiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Hữu Lũng, với quy mô hơn 5.900 ha. Sau khi được đưa vào khai thác sử dụng, khu công nghiệp sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến tiềm năng phát triển du lịch của huyện.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án thành lập, xây dựng và phát triển công viên địa chất Lạng Sơn (giai đoạn 2021 - 2025) và thành lập công viên địa chất Lạng Sơn với quy mô 3.845,8 km2 và Hữu Lũng là một trong năm huyện của tỉnh nằm trong không gian công viên địa chất. Đây là yếu tố rất thuận lợi vì công viên địa chất sẽ là tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch.
"Trên toàn huyện hiện có 17 cơ sở lưu trú với khoảng 188 buồng, trong đó có 2 khách sạn được xếp hạng sao và 15 nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh. Ngoài ra, huyện còn có 16 homestay đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở xã Hữu Liên, Yên Thịnh. Những năm gần đây, Hữu Lũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và khách du lịch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của bức tranh kinh tế, xã hội của huyện", ông Khổng Hồng Minh nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, khách du lịch đến huyện Hữu Lũng có sự tăng trưởng nhanh. Năm 2016 tổng số khách là 350.000 lượt, đến năm 2019 tăng lên 860.000 lượt khách. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng khách đến Hữu Lũng còn hơn 500.000 lượt khách (giảm so với năm 2019 nhưng vẫn tăng xấp xỉ 1,5 lần so với năm 2016). Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016 - 2020 là 9,6%/năm.
Khách quốc tế đến thăm quan du lịch tại huyện có sự tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 82%/năm.
Nguyễn Kiên