Kết luận có nội dung: Sau khi Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 được ban hành, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể (trọng tâm là hợp tác xã) của tỉnh.
Sau 02 năm triển khai thực hiện đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, gần 01 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, đối với Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan được đẩy mạnh, đã thực hiện cắt giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của 10 sở, ngành với tổng số 116 TTHC, gồm 87 TTHC cấp tỉnh, 27 TTHC cấp huyện và 02 TTHC cấp xã.
Tổng số thời gian cắt giảm 675/1.758 ngày, tỷ lệ cắt giảm đạt 38,83%; Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng hiệu quả và nhận được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ thủ tục hành chính hoàn thành trước và đúng hạn chiếm 99,99%.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh (tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh; triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện có hiệu quả chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQCP ngày 08/10/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).
Kết quả chỉ số PCI của tỉnh Lạng Sơn được cải thiện đáng kể qua các năm.
Đối với Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX: Số HTX thành lập mới tăng đều qua các năm 2020, 2021, trong 02 năm đã thành lập mới 161 HTX, đây cũng là số HTX thành lập cao nhất từ trước đến nay.
Chất lượng hoạt động của HTX từng bước nâng lên, một số HTX đã tạo liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh.
Trong năm 2021, các cơ quan đã hỗ trợ 06 HTX thực hiện hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng; tham gia triển lãm Hội chợ trong nước với tổng kinh phí 400 triệu đồng; hỗ trợ chứng nhận chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc 11 HTX với kinh phí 563 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm 11 HTX với tổng kinh phí 1.529 triệu đồng; hỗ trợ vay lãi suất tín dụng cho 01 HTX với tổng kinh phí 94 triệu đồng.
Nội dung kết luận cũng chỉ ra một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:
Tổ chức rà soát lại nội dung Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, phát huy những nhiệm vụ, kết quả đạt được, chủ động nghiên cứu, tham mưu và thực hiện những nội dung còn thiếu, chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thiện; đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình, đặc thù của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, tạo bước chuyển biến thực sự về chất trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; số hóa, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; triển khai hiệu quả các nội dung chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp và HTX.
Rà soát sửa đổi, ban hành mới các chính sách đặc thù, ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp, đất đai, du lịch, chính sách cho khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Trước mắt tập trung sớm trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết số 66/2017/NQ-HĐND ngày 11/12/2017 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018-2030.
Tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý sử dụng đất nhất là đất đã giao cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tạo bước đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm.
Chủ động thực hiện tốt công tác quy hoạch; hoàn thành xây dựng quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được phê duyệt; tiếp tục chỉ đạo các huyện thực hiện rà soát quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Thực hiện tốt công tác quản lý các dự án đầu tư, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; kiên quyết xử lý vi phạm, chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án vi phạm, chậm tiến độ, không có khả năng triển khai thực hiện.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chính sách; kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ kinh doanh.
Trước đó, ngày 30/03/2022, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn tổ chức phiên họp giải trình về tình hình và kết quả thực hiện Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh đến năm 2025; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Nguyễn Kiên