Cụ thể, ngày 7/8/2019,ông Nguyễn Đăng Nguyên, cư trú tại thôn An Điền, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã làm đơn tố cáo hành vi buông lỏng quản lý đất đai của Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách dẫn đến hậu quả gần 3 hecta đất nông nghiệp của bà con nông dân thôn An Điền, xã Cộng Hòa bị một số cá nhân chiếm đoạt trái phép.
Trong đơn tố cáo, ông Nguyên trình bày, thôn An Điền, xã Cộng Hòa gồm 03 xóm là xóm Xuân, xóm Kim và xóm Giáp. Từ thời xa xưa, đất canh tác của người dân trong thôn có một phần nằm ở bãi soi bên kia sông Kinh Thầy, tiếp giáp với xã Thăng Long, huyện Kinh Môn (khu vực đó, dân chúng tôi gọi là đất khu Đồng Kênh). Khi Nhà nước thực hiện chính sách khoán 10, mỗi người dân trong thôn được chia khoảng 55.8m2 đất khu Đồng Kênh. Gia đình ông Nguyên được chia khoảng 2 sào ở khu vực này.
Đơn tố cáo của ông Nguyễn Đăng Nguyên về: “Hành vi buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai của Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa”
Với đặc thù là đất ngoài đê, lại nằm ở bên kia sông Kinh Thầy, việc đi lại, canh tác gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, gần như không thu được sản phẩm, hoa màu gì nên từ nhiều năm trước đây, người dân đã ủy quyền cho cơ sở thôn ký hợp đồng thầu với một số cá nhân cư trú tại xã Thăng Long, huyện Kinh Môn trong một thời hạn nhất định. Hợp đồng cuối cùng do cơ sở thôn An Điền ký đã kết thúc vào năm 2018; đại diện bên cho thuê (cơ sở thôn) và bên thuê đã có biên bản thanh lý hợp đồng, không còn tồn tại vướng mắc nào.
Thế nhưng ngay sau đó, đã xuất hiện sự việc một số cá nhân đã ngang nhiên chiếm đoạt quyền sử dụng đất của người dân trong thôn chúng tôi tại Đồng Kênh, dựng nhà trông coi, tiến hành chăn nuôi, thả cá trên phần diện tích khoảng 7.3 mẫu (gần 3 hecta). 2 sào ruộng của gia đình tôi cũng bị các đối tượng này lấn chiếm. Trước sự việc trên, chính quyền cơ sở thôn và người dân có ruộng đã nhiều lần yêu cầu các cá nhân này di chuyển ra khỏi phần đất lấn chiếm, tháo dỡ công trình, chuồng trại nhưng các đối tượng này chây ỳ, thậm chí dọa nạt, thách thức. Ông Nguyên trình bày rõ trong đơn.
Theo đơn tố cáo của ông Nguyên, các cá nhân thực hiện hành vi chiếm đoạt đất đai của người dân thôn An Điền gồm có: Vợ chồng ông Trần Văn Phước, sinh năm 1983 và Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1986, trú tại: thôn Lộ Xá, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn chiếm dụng khoảng 6 mẫu; Vợ chồng ông Phạm Hữu Lăng, sinh năm 1966 và Ngô Thị Lin, trú tại; thôn Hà Tràng, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn chiếm dụng khoảng 1.3 mẫu.
Người dân nhiều lần gửi đơn lên xã Cộng Hòa nhưng không được trả lời
Trước sự việc hết sức nghiêm trọng như đã nêu, nhiều người dân đã làm đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa để có biện pháp xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; bản thân tôi đã ít nhất 03 lần làm đơn kiến nghị, phản ánh gửi xã. Thế nhưng đã nhiều tháng nay, chính quyền xã nói chung, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa nói riêng đã không có bất kỳ hành động, biện pháp tích cực nào để giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho quyền lợi người dân trong thôn.
Nhận thấy lãnh đạo chính quyền xã Cộng Hòa nói chung, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa nói riêng đã buông lỏng quản lý dẫn đến đất đai của người dân bị nhiều đối tượng chiếm đoạt; khi nhận được đơn kiến nghị, phản ánh, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa lại thờ ơ, bỏ mặc, không quan tâm xử lý, giải quyết … rõ ràng là hành vi vi phạm công vụ, gây tổn hại tới lòng tin của người dân chúng tôi vào chính quyền cơ sở, vì vậy thực hiện quyền theo quy định của pháp luật tố cáo, tôi làm đơn này tố cáo hành vi vi phạm trên đây của Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa tới Chủ tịch UBND huyện Nam Sách để xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định. Ông Nguyên nêu rõ trong đơn tố cáo.
Tuy nhiên, đơn tố cáo trên của ông Nguyên đã được gửi hơn một tháng, đến nay, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách vẫn chưa thụ lý hay trả lời đơn tố cáo của ông Nguyên.
Trong khi đó, theo Luật tố cáo 2018, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Chủ tịch huyện phải ra quyết định thụ lý nếu nội dung đơn thuộc thẩm quyền, và trong thời hạn 5 ngày tiếp theo, Chủ tịch huyện phải gửi Quyết định thụ lý đơn cho người tố cáo.
Vậy, vì sao UBND huyện Nam Sách không thụ lý cũng như không có bất kỳ trả lời tố cáo của người dân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tài sản của người dân. Liệu UBND huyện Nam Sách, Hải Dương có đang phớt lờ tố cáo của người dân?
Trong khi đó, thiệt hại của những người dân trong trường hợp trên là rất rõ. Thứ nhất là phần đất đai bị chiếm đoạt, theo giá thị trường là 75 triệu đồng/sào. Thứ hai là phần thiệt hại do không thể canh tác trên phần đất sở hữu, 10triệu/sào/năm.
Điều 24 Luật tố cáo 2018 quy định về việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo quy định: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật này quy định trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
Thanh Trang