Nhìn lại năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của huyện Phong Điền đều đạt và vượt. Trong đó,lĩnh vực công nghiệp của huyện tăng 16,41% so với năm 2021, đạt 101,5% so với kế hoạch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện ước thực hiện 322,983 tỷ đồng, đạt 115% dự toán huyện giao và đạt 265% dự toán tỉnh giao.
Khu công nghiệp Phong Điền thu hút 14 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án đi vào hoạt động; các Nhà máy lớn như Công ty xi măng Đồng Lâm, Công ty SCAVI Huế, … hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 17.000 công nhân, lao động. Nhiều Cụm công nghiệp của huyện tiếp tục đầu tư và mở rộng, như quy hoạch Cụm công nghiệp Sơn Xuân Mỹ với diện tích 71,66 ha; Cụm công nghiệp Điền Lộc 2 với diện tích 27 ha; điều chỉnh mở rộng Cụm công nghiệp Điền Lộc với diện tích 66,42 ha…
Với những thành công trên, năm 2023 huyện Phong Điền phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành các tiêu chí để đề nghị công nhận đô thị Phong Điền đạt đô thị loại IV, xây dựng Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025. Trong đó, giá trị sản xuất tăng bình quân 15 - 17% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người (theo VA) đạt 67 - 69 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 4.200 - 4.500 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước của huyện đạt 263tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,54% so với năm 2022 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).
Huyện Phong Điền tập trung thực hiện 5 chương trình trọng điểm. Đó là: Chương trình phát triển đô thị; Chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch, dịch vụ; Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và Chương trình cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Huyện Phong Điền sẽ phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan thu hút các dự án đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp Phong Điền; quy hoạch phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho các nhà máy điện mặt trời hoạt động có hiệu quả. Huyện tiếp tục kêu gọi, lập phương án cho các cơ sở sản xuất vào hoạt động tại các điểm tiểu thủ công nghiệp xã Phong Hải; điểm tiểu thủ công nghiệp: Phong Hiền, thị trấn Phong Điền và Cụm công nghiệp Điền Lộc, cụm công nghiệp Điền Lộc 2. Huyện triển khai Đề án phát triển làng nghề đệm bàng Phò Trạch, Dự án Sản xuất gốm mỹ thuật trang trí xuất khẩu tại cụm làng nghề Mỹ Xuyên,…; triển khai quy hoạch, kêu gọi đầu tư các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn như: Khe Me- Ô Lâu thượng nguồn, Khu vực nhà Chồ Điền Hải, biển Điền Lộc, khu vực Ngũ hồ; Quy hoạch, mở rộng Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Tân thành khu du lịch Quốc gia...; phối hợp kêu gọi đầu tư Chợ An Lỗ, Trung tâm thương mại tại Ngã tư An Lỗ, Làng cổ Phước Tích...
Bên cạnh đó, Phong Điền còn tập trung công tác quy hoạch, thực hiện có hiệu quả các phong trào về môi trường gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên các dự án: Khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera, dự án xây dựng, cải tạo và mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2; tổ chức di dời các hộ trong vùng có nguy cơ cao và rất cao vì tình trạng sụt lún tại khu vực xung quanh mỏ đá vôi Phong Xuân.
Huyện Phong Điền thực hiện nghiệm việc cấp phép xây dựng; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư chỉnh trang khu trung tâm đô thị các đơn vị dự kiến xây dựng phường; triển khai Đề án xanh đô thị Phong Điền giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các dự án điểm xanh tạo điểm nhấn trên địa bàn huyện…
Đúng là trên hành trình trở thành thị xã, đô thị xanh của Phong Điền còn rất nhiều việc phải làm nhưng nhân dân tin rằng với 5 chương trình hành động: Phát triển đô thị; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; du lịch, dịch vụ; nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực được Đại hội huyện Đảng bộ Lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021- 2025 đề ra, cùng sự quyết tâm của các ngành, các cấp, Phong Điền sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành Thị xã trước năm 2025.
Trần Minh Tích