Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ III/2017
"Đến hẹn lại lên" - bắt đầu từ ngày 26/10 đến 29/10, tại huyện Phú Xuyên, Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ III - sẽ diễn ra với đông đảo du khách thập phương đến tham quan và thưởng lãm.
Như mọi năm, khi đặt chân đến Phú Xuyên, du khách sẽ được hòa mình vào một mùa lễ hội được tổ chức để vinh danh những nghệ nhân làng nghề truyền thống của huyện. Bên cạnh đó là nhiều hoạt động đa dạng được diễn ra như Biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hội thi tay nghề, hội thảo, triển lãm ảnh và khoảng 500 gian hàng tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Nằm trong khuôn khổ, triển lãm làng nghề năm nay sẽ trưng bày 110 tác phẩm ghi lại chân dung các nghệ nhân, chân dung người lao động trong sản xuất và trong sinh hoạt đời thường ở các làng nghề như đan cỏ tế ở xã Phú Túc, xã Hoàng Long, xã Tri Trung; khảm trai; sơn mài ở xã Chuyên Mỹ; dệt tơ lưới chã ở xã Quang Trung; tò he ở xã Phượng Dực; sản xuất hương ở xã Văn Hoàng…
Đến với lễ hội năm nay, du khách thập phương không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nhiều gian trưng bày các sản phẩm về gỗ với nhiều chủng loại gỗ quý khác nhau. Nổi bật hơn cả là sự xuất hiện của tấm phản được mệnh danh là lớn nhất Việt Nam, được nhập khẩu trực tiếp từ Nam Phi với tên gọi gỗ “cẩm lai”.
Theo ông Chử Văn Kiên, chủ sở hữu của chiếc phản, miếng phản gỗ lớn này có tên gọi là gỗ cẩm lai xuất xứ từ Nam Phi. Đây là chiếc phản lớn nhất Việt Nam cho tới nay, kích thước chiều dài 5,4m, rộng 2,15m và bề dày 30cm.
Cận cảnh tấm phản gỗ cẩm lai được nhập khẩu từ Nam Phi
“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu thích và đam mê nét đẹp của gỗ, một nét đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người. Có thể nói, tấm phản gỗ cẩm lai được nhập khẩu từ Nam Phi này có niên đại khá lâu năm, với kích thước cũng thuộc vào hạng nhất nhì tại Việt Nam.
Đây được xem là một trong những loại gỗ quý hiếm. Nhân dịp lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống của huyện Phú Xuyên, chúng tôi rất tự hào khi được góp mặt trong buổi lễ này và đặc biệt là người đầu tiên được quảng bá rộng rãi tới công chúng vẻ đẹp thiên nhiên của tấm phản gỗ quý hiếm này”, ông Kiên chia sẻ.
Đến với triển lãm, du khách sẽ thêm hiểu và trân trọng vẻ đẹp làng nghề, từ đó cùng chung tay gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến các địa phương khác trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
Tâm An