Ông Vũ Đức Hưởng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn giải đáp một số ý kiến của người dân
Ông Vũ Đức Hưởng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn giải đáp một số ý kiến của người dân

Với tổng diện tích mặt nước hiện sử dụng cho nuôi trồng thủy sản khoảng 4.258ha với 1.392 tổ chức, cá nhân đang nuôi trồng. Trong đó, có 971 hộ nuôi đang sử dụng khoảng 2,7 triệu quả phao xốp để nuôi với diện tích trên 1.900ha, Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất trong tỉnh và là địa phương chiếm đến gần 90% số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nổi HDPE của toàn tỉnh. Theo lộ trình của tỉnh, chậm nhất đến hết năm 2022, các địa phương phải hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch, đồng thời thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường.

Để thực hiện đúng lộ trình, huyện Vân Đồn đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thực hiện chủ trương chuyển đổi, xoá phao xốp, cùng với đó là xử lý những hộ nuôi trồng thuỷ sản trái phép, ngoài quy hoạch… Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện Vân Đồn mới thay thế được khoảng 27% tổng số phao xốp cần chuyển đổi, kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Tại buổi đối thoại, các hộ dân tại Đông Xá, Hạ Long và Thị trấn Cái Rồng cũng bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao trong chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao HDPE của tỉnh. Song, khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi là nguồn vốn đầu tư.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản (chủ yếu là Hàu) giảm mạnh dẫn tới thu nhập của các hộ nuôi trồng thuỷ sản bị giảm theo. Trong khi đó, chi phí lắp đặt vật liệu nhựa HDPE cao hơn so với phao xốp nên nhiều hộ dân thiếu kinh phí để chuyển đổi.

Bên cạnh việc mong muốn sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm vật liệu để tháo gỡ khó khăn cho người dân, các hộ dân cũng đề xuất được gia hạn thêm thời gian chuyển đổi và lộ trình chuyển đổi là thay thế dần để không tạo áp lực kinh phí đầu tư chuyển đổi cho người dân… Đề nghị cắm phao tại các luồng lạch để người dân nắm được; Việc giao mặt nước cho người dân nuôi trồng thuỷ sản vẫn còn nhiều bất cập…

Sau khi nghe ý kiến của các hộ dân, lãnh đạo huyện Vân Đồn đã nghiêm túc tiếp thu và giải đáp một số vướng mắc liên quan mà người dân còn băn khoăn. Một số ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh như việc gia hạn thời gian chuyển đổi cho người dân cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi,… UBND huyện sẽ tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.

Các lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cũng nhấn mạnh: Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh, Huyện Vân Đồn sẽ kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp phát sinh diện tích nuôi mới, bổ sung phao nuôi mới bằng xốp và các hộ nuôi trồng thủy sản vi phạm luồng lạch…

Song song với đó, huyện cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị cung cấp vật liệu nhựa HDPE cam kết đảm bảo chất lượng phao cho người dân. Riêng đối với việc giao mặt nước để người dân nuôi trồng thuỷ sản, huyện sẽ rà soát lại các diện tích nuôi của huyện để sắp xếp lại cho phù hợp, không để người dân nuôi tràn lan.

Trang Nguyễn