Ngay khi vụ việc phòng không Syria bắn nhầm chiếc máy bay trinh sát điện tử tối tân của Nga là Il-20, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng chỉ trích chính tiêm kích F-16 Israel là nguyên nhân gián tiếp khiến máy bay Nga bị bắn hạ. Nga đã miêu tả rất kĩ và nhanh chóng hành vi của F-16.
Hệ thống radar và phòng không Nga tại Syria.
"Máy bay trinh sát Il-20 gặp nạn trên Địa Trung Hải do trúng hỏa lực phòng không của quân đội Syria khiến 15 người thiệt mạng, nhưng Israel là nguyên nhân chính trong thảm kịch này", Bộ Quóc phòng Nga nêu rõ.
Vào tối 17/9, phi đội gồm 4 tiêm kích F-16 Israel đã tiến vào Syria từ phía Địa Trung Hải để tấn công các mục tiêu ở Latakia.
Biên đội chiến đấu cơ Israel bay ở độ cao thấp và "tạo ra tình huống nguy hiểm cho các máy bay, tàu thuyền khác trong khu vực".
Cùng lúc phi đội chiến đấu cơ Israel tiến vào thì cũng là lúc chiếc Il-20 và khu trục hạm Auvergne của Pháp đều xuất hiện.
"Phi công Israel đã lợi dụng trinh sát cơ Nga như một bình phong để giấu mình và khiến Il-20 thành mục tiêu của lực lượng phòng không Syria. Hậu quả là chiếc Il-20, vốn có tiết diện radar lớn hơn nhiều so với F-16, đã bị bắn rơi bởi một quả tên lửa S-200", Nga chỉ thẳng Israel nguyên nhân.
Điều đặc biệt trong tuyên bố chỉ trích Israel của Nga là chúng được đưa ra ngay lập tức khi chiếc Il-20 bị bắn hạ mà không cần phải chờ đợi kết quả điều tra.
Theo nhận định của một số chuyên gia, thực tế này cho thấy, mọi hành động của chiến đấu cơ không chỉ Israel khi bén mảng đến gần Syria đều bị đặt dưới tầm giám sát của hệ thống radar phòng không và trinh sát tối tân của Nga.
Đặc biệt, nhận định này được đưa ra sau khi những bức ảnh mới được truyền thông Nga công bố gần đây cho thấy các radar của Nga triển khai ở Syria nắm rất rõ hoạt động của mọi máy bay chiến đấu của Không quân Israel cũng như của Mỹ hay bất cứ quốc gia nào hoạt động trên khu vực.
Các tham số mục tiêu hiển thị đầy đủ trước mắt các trắc thủ radar Nga. Trong đó các đường bay màu xanh lá cây là của máy bay dân sự, màu đỏ là của Không quân Syria và không quân Nga còn màu vàng là các mục tiêu bay của Mỹ, Israel và các quốc gia bị coi là thù địch.
Căn cứ vào những thông tin được Nga công khai, Moscow đã triển khai ít nhất 3-4 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 ở Syria, trong đó chỉ riêng tại căn cứ không quân Hmeymim là không dưới 2 tổ hợp, và điều này được chứng minh bởi một video mới được thực hiện bởi Kênh Truyền hình Ngôi sao của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo đó, có thể thấy rõ ít nhất 2 radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6 của 2 tổ hợp tên lửa S-400 khác nhau triển khai tại đây.
Bên cạnh đó, một video khác của kênh truyền hình RT (Nga) cho thấy radar cảnh giới nhìn vòng 91N6 cũng theo chân S-400 sang Syria.
Như vậy là S-400 tham chiến ở Syria với đầy đủ các thành phần mạnh nhất của mình từ radar chiếu xạ 92N2, radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6, radar cảnh giới nhìn vòng tầm siêu xa 91N6 cho tới các xe bệ phóng tên lửa S-400 cùng những cận vệ là các tổ hợp pháo- tên lửa phòng không Pantsir-S1.
Trong đó các radar 96L6 và 91N6 đều có tầm trinh sát tối đa rất lớn, lần lượt là tới 300km (hoặc hơn) và tới 600km. Với vị trí nằm ở Hmeymim, một tổ hợp radar 91N6 có khả năng bao quát toàn bộ không phận Syria và vươn sâu xuống phía Nam, theo dõi gần như toàn bộ không phận Israel.
Theo các chuyên gia phòng không, ngoài khả năng vạch mặt những mục tiêu thông thường thì cả radar 96L6 lẫn 91N6 đều có khả năng bắt các mục tiêu tàng hình, trong đó 91N6 có thể phát hiện các máy bay thế hệ 5 từ cự ly khoảng 150km và tên lửa đường đạn (bay ở tốc độ 4.800km/h và có diện tích phản xạ radar hiệu dụng 0,4m2) từ cự ly 230km.
Do vậy, các vụ tập kích đường không (bằng máy bay hay tên lửa hành trình) của Israel hay Mỹ và liên quân vào Syria nhiều khả năng là phòng không Nga biết rất rõ, nhưng vì mục đích nào đó, tên lửa S-400 của Nga đã không khai hỏa để tránh gây leo thang căng thẳng.
Và đây cũng chính là lời giải thích hợp lý nhất cho tuyên bố của Nga về những cách thức F-16 Israel núp bóng khiến máy bay Il-20 bị bắn nhầm tối 17/9 – kết luận được Nga đưa ra mà không cần thời gian điều tra.
Theo Baodatviet