Nhiều hàng hóa thiếu tem hợp quy

Theo quy định tại Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT, do Bộ Công Thương ban hành, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được kiểm tra và dán nhãn chứng nhận hợp quy, chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên tại chuỗi cửa hàng JAPANSHOP nằm trên địa bàn Hà Nội với 7 cơ sở, đang được bày bán nhiều sản phẩm may mặc hàng nhập khẩu đều không có tem hợp quy (CR) được bán với giá cao, có sản phẩm lên tới 4.000.000 đồng.

Nhiều sản phẩm may mặc hàng nhập khẩu đều không có tem hợp quy (CR)
Nhiều sản phẩm may mặc hàng nhập khẩu đều không có tem hợp quy (CR)

Tại cửa hàng JAPANSHOP nằm trên địa chỉ : “Park 01, SH 02 Times city 458 Minh Khai - Quận Hoàng Mai, Hà Nội”, khi phóng viên nhập vai làm người mua hàng đến tìm hiểu những mặt hàng ở đây, phóng viên nhận thấy rằng không chỉ thiếu dấu hợp quy được gắn trên sản phẩm mà một số mặt hàng còn thiếu tag mác. Khi đề cập hỏi đến vấn đề áo này giá bao nhiêu? không thấy có tag mác? nhân viên cửa hàng cũng không nắm rõ được điều này, phải chạy ra tìm 1 sản phẩm áo tương tự mới có thể nói giá sản phẩm là 1.100.000 đồng.

Được biết những sản phẩm ở đây theo như tư vấn đều là hàng nhập khẩu, vậy tại sao lại không có tag mác, những sản phẩm này ai sẽ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là hàng hoá được lưu thông trên thị trường? các sản phẩm không có “mã hợp quy, tag mác” này có giấy phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép), nhập khẩu qua cửa khẩu đúng quy định và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật hay không?

Các mặt hàng ở đây đều có giá cao ngất ngưởng
Các mặt hàng ở đây đều có giá cao ngất ngưởng

Thiết nghĩ, quần áo là những vật dụng không thể thiếu, được sử dụng hàng ngày, khi sản phẩm dệt may chưa được chứng nhận hợp quy, đồng nghĩa với việc không ai biết sản phẩm có mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may như thế nào? nếu sử dụng trong thời gian dài và gây ra hậu quả đối với sức khỏe, ai sẽ chịu trách nhiệm?.

Chưa dừng lại ở đó, khi phóng viên “mục sở thị” tại một số cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng JAPANSHOP phóng viên nhận thấy rằng các cửa hàng này đều không thực hiện xuất hoá đơn VAT cho khách hàng khi mua sản phẩm xong, chỉ khi được hỏi về cung cấp hoá đơn một nhân viên tại cơ sở “ Ki-ốt số 2 CT-4 khu đô thị Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội”, trả lời rằng: “bình thường ở đây ít khi xuất hoá đơn”...

Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác như: Túi xách, giày dép, theo như tìm hiểu của phóng viên để “hút” người tiêu dùng chi tiền mua hàng, JAPASHOP thường đưa ra chương trình khuyến mại giảm giá. Hơn hết, các mặt hàng ở đây đa số là hàng có giá trị cao. Vậy sản phẩm của JAPANSHOP có đảm bảo hàm lượng formaldehyde an toàn cho người dùng theo QCVN 01:2017 hay không?

Nhiều mặt hàng giày dép nhập khẩu thiếu tag, nhãn phụ được bày bán cùng chương trình giảm giá
Nhiều mặt hàng giày dép nhập khẩu thiếu tag, nhãn phụ được bày bán cùng chương trình giảm giá

Tại sao JAPANSHOP không tiến hành chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy cho sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông ngoài thị trường và tại sao không xuất hoá đơn VAT là câu hỏi khiến người tiêu dùng quan tâm?.

Theo các nghiên cứu khoa học, formaldehyde là chất có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, chỉ với hàm lượng thấp formaldehyde mà cơ thể con người tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ như có khả năng gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi.

Nghiêm trọng hơn, formaldehyde là tác nhân gây sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm cũng có khả năng thâm nhập vào cơ thể con người, chúng có thể bị phân hủy trong hệ trao đổi chất và sản sinh ra chất aromatic amine. Đây đều là các tác nhân có thể gây nhiều loại ung thư cho con người.

Không chỉ sai về tem hợp quy (CR) các cửa hàng JAPANSHOP còn vi phạm quy định về nhãn hàng hóa nhập khẩu

Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc, được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

Nhãn phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu.

Các mặt hàng chưa thể hiện được đầy đủ thông tin theo quy định
Các mặt hàng chưa thể hiện được đầy đủ thông tin theo quy định

Nhưng nhiều sản phẩm tại chuỗi cửa của JAPANSHOP đã không tuân thủ theo pháp luật. Các mặt hàng chưa thể hiện được đầy đủ thông tin theo (Khoản 1, Điều 10, Nghị định 111/2021/NĐ-CP; Điều 12, Nghị định 111/2021/NĐ-CP). Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam, bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt đối với sản phẩm dệt, may, da, giầy:

a) Thành phần hoặc thành phần định lượng;

b) Thông số kỹ thuật;

c) Thông tin cảnh báo;

d) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;

đ) Năm sản xuất.

Vậy, từ đó câu hỏi đặt ra: Liệu rằng có phải JAPANSHOP có vi phạm các quy định của pháp luật hay không? Các mặt hàng ở đây có đủ giấy tờ hay không? Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, kiểm tra 7 cửa hàng của JAPANSHOP để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại khoản 3, điều 19, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

a) Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy.

b) Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền.

c) Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Lưu ý về nhãn hàng hoá nhập khẩu

Theo quy định hiện hành, việc thiếu, sai nhãn hàng hóa khi nhập khẩu hàng hóa có thể bị phạt từ 500.000 VND đến 60.000.000 VND tùy hành vi và giá trị hàng và phải đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất (Điều 22. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu, Nghị Định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính Phủ Quy định Xử phạt Vi phạm Hành chính trong Lĩnh vực Hải quan).

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm hành chính quy định tại điều này trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.

b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này.

Kim Khánh - Thuỳ Linh