Hòa bình Trung Đông lại nhen nhóm khi mới đây báo chí Mỹ đưa tin Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra một kế hoạch mới để chấm dứt xung đột Palestine-Israel kéo dài hàng chục thập kỷ qua. Kế hoạch này được đánh giá vượt xa mọi sáng kiến trước đây.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, có nhiều cản trở không chỉ từ phía Palestine-Israel mà còn liên quan tới các vấn đề của khu vực. Dù mới chỉ là kế hoạch nhưng người dân Israel và Palestine vẫn có quyền hy vọng về một nền hòa bình dài lâu.

Các cố vấn cho Tổng thống Donald Trump về Trung Đông đã làm việc hơn 10 tháng qua để xem những khía cạnh gai góc nhất trong xung đột Israel-Palestine và có các bước đi cụ thể cho tiến trình hòa bình vốn bế tắc từ nhiều năm nay, nhằm đi đến cái mà ông Donald Trump gọi là "thỏa thuận cuối cùng".

Kế hoạch mới của Mỹ có thể chấm dứt xung đột Palestine-Israel? - Hình 1

Ảnh minh họa/TTXVN

Nhóm cố vấn đã thu thập tài liệu sơ bộ và hy vọng giải quyết các điểm tồn tại của bất đồng như tình trạng của Jerusalem và các khu định cư Bờ Tây bị chiếm đóng. Mặc dù ông Donald Trump chưa tuyên bố cam kết của mình về một nhà nước Palestine, nhưng các chuyên gia cho biết kế hoạch mới sẽ tập trung vào giải pháp hai nhà nước, vốn là trọng tâm của các nỗ lực hòa bình trong nhiều năm.

Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt nói rằng, Mỹ không có ý định áp đặt kế hoạch đối với các bên có liên quan. Mục tiêu duy nhất là đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài để cải thiện điều kiện sống của người Palestine và người Israel cũng như đảm bảo an ninh trong khu vực.

Nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng kế hoạch sẽ phải dựa trên cái gọi là giải pháp hai nhà nước, mà đã nhiều năm tạo thành một trục các nỗ lực hòa bình.

Còn theo ông Jason Greenblatt cho biết, Mỹ đã dành rất nhiều thời gian để lắng nghe và giao tiếp với người Israel, người Palestine và các quan chức cấp cao trong khu vực trong vài tháng qua để giúp đạt được một nền hòa bình thỏa thuận lâu dài, nhấn mạnh rằng Mỹ không thiết lập một thời gian biểu cụ thể hoặc áp đặt hoàn toàn cho các bên. Tuy nhiên, nhóm cố vấn cho rằng đây là thời điểm chín muồi và sáng kiến sẽ được đưa ra vào đầu năm tới.

Một số chuyên gia tin rằng kế hoạch của ông Donald Trump có thể nâng cao sự tự tin của mỗi bên trước đàm phán, trong đó có đối với Israel phải hạn chế các hoạt động mở rộng khu định cư, cam kết với các giải pháp hai nhà nước, và tạo cho người Palestine quyền hạn lớn hơn trong các bộ phận của Bờ Tây. Đối với Palestine, điều này có thể bao gồm việc quay trở lại hợp tác an ninh đầy đủ với Israel, chấm dứt việc tìm kiếm sự công nhận quốc tế và chấm dứt tiền lương cho các gia đình và gia đình của các tù nhân Palestine.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng sáng kiến này có thể đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cả cũ và mới và từ cả phía Palestine và Israel. Các vấn đề khác của khu vực hiện nay, như chủ nghĩa khủng bố, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran, Hezbollah, tình hình Liban, Syria, Yemen và trong trường hợp nổ ra cuộc xung đột mới ở khu vực có thể làm suy yếu bất kỳ sáng kiến nào cho tiến trình hòa bình.

Đó là chưa kể tới phần lớn thành viên Nhóm cố vấn là các chuyên gia người Do Thái, có quan hệ chặt chẽ với Israel và Saudi Arabia khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về một giải pháp có lợi cho Israel.

Yếu tố hòa giải thành công giữa hai phong trào chính trị lớn ở Palestine là Fatah và Hamas do Ai Cập làm trung gian vừa qua như là một tín hiệu tích cực cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Đối với đa số người Palestine, một giải pháp của hai quốc gia được đàm phán sẽ tốt hơn hiện nay, và đa số áp lực của người Palestine nhận ra nó sẽ là như vậy.

Họ cũng thừa nhận rằng một thỏa thuận đàm phán với Israel là cách duy nhất để đạt được một giải pháp hai nhà nước. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết, việc đạt được hòa giải Palestine và chấm dứt các sự phân chia nội bộ sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và chấm dứt xung đột Palestine-Israel.

Ông Abbas nói rằng bất kỳ nỗ lực nào để đạt được một nền hòa bình và toàn diện phải dựa trên tính hợp pháp quốc tế nhằm chấm dứt sự chiếm đóng, thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô ở Đông Jerusalem với đường biên giới của năm 1967. Tuy nhiên các nhà phân tích chính trị nói rằng sự can thiệp từ bên ngoài có thể làm tổn hại đoàn kết nội bộ Palestine và tiến trình đàm phán thông qua hỗ trợ cho Phong trào "Hamas”.

Tờ báo "The Times" của Anh cho biết, Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman đã quyết định can thiệp vào một cách chưa từng thấy trong sự nghiệp của người Palestine và gây sức ép yêu cầu ông Tổng thống Abbas chấp nhận kế hoạch mới của Mỹ hoặc phải từ chức. Thái tử Salman đã quyết định thay đổi các quy tắc của trò chơi tại Trung Đông và ủng hộ kế hoạch của Trump cho bình thường và một nền hòa bình giữa Israel và các thỏa thuận quốc gia Ả Rập khác nhau. Kế hoạch này thành công sẽ cho phép Saudi Arabia phối hợp tốt hơn với Israel chống lại Iran.

Bảy thập kỷ xung đột kể từ cuối những năm 1940, đến nay Israel đã trở thành một quốc gia chắc chắn với lực lượng quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông cùng với sức mạnh kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không có uy thế mạnh mẽ để tham gia vào cuộc đàm phán khi đang phải đối mặt với cuộc điều tra tham nhũng và áp lực từ ngay trong chính phủ liên minh của ông không thực hiện bất kỳ sự nhượng bộ. Mặc dù vậy, theo quan điểm của chính phủ Israel nguyên trạng hiện tại là chấp nhận được trong đàm phán.

Một tín hiệu hòa bình dù mong manh nhưng với người dân Trung Đông nói chung và người Israel, người Palestine nói riêng vẫn đặt hy vọng. Các chuyên gia cho rằng, đàm phán chỉ có thể thành công khi các bên có thiện chí, có những nhượng bộ cũng như cần phải tính tới đến lịch sử của cuộc xung đột này với sự tôn trọng cần thiết và đáp ứng các yêu cầu tối thiểu cho cả hai bên./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo