Reuters đưa tin, dòng khí đốt được chuyển tới Châu Âu trong ngày vào lúc 17h-18h (giờ Việt Nam) rơi xuống mức 14,4 triệu kWh/h, chỉ còn gần một nửa so với con số 28 kWh/h được ghi nhận vào ngày 26/07 - vốn chỉ bằng khoảng 40% công suất đường ống. Động thái trên diễn ra chưa đầy một tuần sau khi đường ống hoạt động trở lại sau 10 ngày dừng hoạt động để bảo trì hồi ngày 11-21/07.
Cũng theo Reuters, Chính phủ Đức cáo buộc quyết định cắt giảm khí đốt của Nga là “trò chơi quyền lực”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố sẵn sàng tính đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân để giải quyết tình trạng thiếu điện.
Hôm qua 26/07, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã chấp thuận một kế hoạch khẩn cấp nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ trong khối, qua đó giảm tác động của quyết định được Moscow đưa ra.
Cụ thể, mỗi quốc gia Châu Âu sẽ tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong giai đoạn tháng 08/2022 đến tháng 03/2023, so với bình quân cùng kỳ 2017-2021. Các chuyên gia tại Ngân hàng Hoàng gia Canada nhận định kế hoạch này có thể giúp Châu Âu vượt qua mùa đông nếu dòng khí đốt từ Nga vẫn đạt khoảng 20-50% công suất.
Mặt khác, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Gazprom vẫn chuyển khí đốt tới Châu Âu “nhiều nhất có thể”, nhưng các vấn đề kỹ thuật gây ra bởi các lệnh cấm vận ngăn công ty này xuất khẩu nhiều khí đốt hơn.
PV (T/h)