Theo bà Liên, hiện tại, Keiko Việt Nam có 18 Showroom, trong đó có 10 Showroom Lare Boss và 8 Showroom San-Kelloff. Keiko Việt Nam đăng ký nhãn hiệu phân phối sản phẩm thương hiệu Lare Boss và San-Kelloff của Ý. Keiko luôn tuân thủ Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, có chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo, với sản phẩm của Keiko bán ra sẽ bảo hành “trọn đời”.

Keiko luôn coi khách hàng là là "thượng đế", khi khách hàng có phản ánh về chất lượng sản phẩm, bên Keiko tiếp nhận xử lý theo quy trình, kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi, hướng tới sự hài lòng của khách hàng.

Trái ngược với lời nói của bà Liên, anh N.M.Đ khi mua hàng của Keiko thì nhân viên của Keiko đã có một yêu cầu kỳ quặc đó là anh Đ không được yêu cầu bảo hành bất cứ sản phẩm nào của Keiko bán ra thì mới đồng ý bán hàng cho anh Đ.

Về việc này, bà Liên cho biết: “Tôi có biết được sự việc này, phía Showroom bán hàng cho anh Đ đã có báo cáo. Lý do, chúng tôi có yêu cầu lạ như vậy là bởi trước đó anh Đ có mua hàng của Keiko (áo sơ mi, thắt lưng), nhưng đã có thái độ phản ánh về chất lượng sản phẩm. Chỉ với anh Đ, chúng tôi mới có xử lý kiểu này”!

Keiko VN: Không bảo hành cho anh N.M.Đ vì hay phản ánh về chất lượng SP - Hình 1

Phiếu biên nhận được một nhân viên của Keiko ghi rất rõ là sản phẩm đã mua sẽ không được bảo hành

Bà Liên thừa nhận: Tôi chưa gặp và trao đổi trực tiếp với khách hàng Đ bao giờ, việc của anh Đ, ban lãnh đạo công ty chỉ được biết qua cửa hàng Shooroom báo cáo. Chúng tôi không có quyền yêu cầu anh Đ hay bất cứ khách hàng nào không được bảo hành sản phẩm.

Việc xảy ra với anh Đ là trường hợp đặc biệt, phía cửa hàng của Keiko làm như vậy là để không ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Keiko khi anh Đ có thái độ phản ánh về chất lượng sản phẩm.

Trao đổi với PV về việc xử lý “có một không hai” của Keiko Việt Nam với khách hàng, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ chống hàng giả cho biết: “Với bất cứ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, nhất là thời trang, hàng tiêu dùng, luôn luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.

Khi khách hàng có phản ánh về chất lượng kém, phía doanh nghiệp tiếp thu, xử lý, làm rõ nguyên nhân, thông báo cho khách hàng công khai dựa trên nguyên tắc bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Rõ ràng, khi anh Đ phản ánh về chất lượng sản phẩm được quảng cáo hàng hiệu, bảo hành trọn đời của Keiko bán ra nhưng mới sử dụng đã có lỗi và anh Đ thông báo cho Keiko, nhưng cách tiếp nhận và xử lý của Keiko như vậy là khó hiểu.

Đáng lẽ, Keiko  phải tiếp thu, tìm ra nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa tốt để có biện pháp khắc phục, cải thiện, nâng cao chất lượng thì lại cố chấp và bỏ qua góp ý, thậm chí yêu cầu khách hàng có cam kết "ngược" hòng lấp đi hạn chế của sản phẩm. Điều này, thể hiện Keiko chưa vì quyền lợi khách hàng, đang chối bỏ trách nhiệm".

Ông Hùng cho biết thêm: Hiện nay, việc doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu bán sản phẩm thương hiệu nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đã trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào để bán “móc túi” người tiêu dùng.

Keiko Việt Nam phân phối độc quyền thương hiệu nổi tiếng của Ý, khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng về sản phẩm kém chất lượng, Keiko cần làm rõ nguyên nhân.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, giám sát sản phẩm của Keiko bán ra có đảm bảo về tiêu chuẩn công bố, nguồn gốc hay không...

Hoan Nguyễn