Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của anh N.M.Đ (Hà Nội) về việc anh đã đặt cọc tiền mua giày da của Keiko. Tuy nhiên, khi nhận giầy, nhân viên Keiko có yêu cầu kỳ lạ là anh Đ không được yêu cầu bảo hành thì phía công ty mới bán giày còn không sẽ trả lại tiền mặt!
Cụ thể, ngày 12/5, anh Đ được nhân viên có tên Tâm của Keiko tư vấn và cho biết: “Sản phẩm giày da Sơn Dương bên em sẽ bảo hành cho anh 6 tháng về da và sẽ hỗ trợ bảo trì đến "suốt đời" cho đôi giầy”. Với lời cam kết như “đinh đóng cột” của nhân viên bán hàng, anh Đ đã quyết định đặt 1 triệu đồng mua giày và giao hẹn 10h30 ngày 13/5, nhân viên của Keiko sẽ giao hàng cho anh Đ.
Theo đúng giao hẹn, sáng 13/5, nhân viên bán hàng của Keiko đã mang giày qua giao cho anh Đ, nhưng lại kèm theo điều kiện mua hàng khiến khách hàng bất ngờ: “Lãnh đạo Công ty em có chỉ đạo, nếu anh đồng ý mua hàng và không bảo hành bất cứ sản phẩm nào thì bên em mới bán. Còn nếu anh không đồng ý như vậy thì em xin gửi lại tiền đặt cọc cho anh để mang hàng về”.
Phiếu biên nhận được một nhân viên của Keiko ghi rất rõ là sản phẩm đã mua sẽ không được bảo hành
Về thông tin mua sản phẩm của Keiko nhưng không có chính sách bảo hành cho khách theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, anh Đ được một nhân viên quản lý của Keiko có tên Trang cho biết: “Lãnh đạo công ty em đã chỉ đạo cho toàn bộ hệ thống của Lare Boss và San-Kelloff không bảo hành cho anh Đ. Nếu anh Đ đồng ý mua sản phẩm không kèm bảo hành thì các cửa hàng bên em mới bán, còn ngược lại, các cửa hàng phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty”.
Trước đó, năm 2016, anh Đ có mua nhiều sản phẩm của 2 thương hiệu Lare Boss và San-Kelloff với niềm tin chất lượng sản phẩm tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng, chiếc áo anh Đ mua bị nhăn cổ, dây lưng thì bị bóc tách làm đôi. Khi anh Đ mang sản phẩm đến bảo hành, Keiko có ghi nhận ý kiến và tiếp nhận sản phẩm chuyển về trung tâm bảo hành. Tuy nhiên, sau 2 tuần quay lại thì anh Đ vẫn chưa có câu trả lời về hướng giải quyết. Chỉ đến khi anh Đ đề nghị cửa hàng trả lại dây lưng bị lỗi thì nhân viên mới gọi về công ty để xác nhận hướng giải quyết. Sau đó, Keiko VN đã đưa ra giải pháp cực chẳng đã đó là gửi lại tiền cho khách hàng.
Keiko chỉ đạo các cửa hàngLare Boss và San-Kelloff không bảo hành cho khách khi đã mua sản phẩm
Trong trang web: http://www.keiko.com.vn, Keiko đã quảng cáo rất rõ ràng: Tầm nhìn – sứ mệnh, Keiko luôn hướng tới kiểm soát chất lượng là công đoạn mang tính sống còn. Vì vậy, Keiko trước tiên luôn muốn Quý khách hàng hài lòng với chất lượng của sản phẩm, sự chu đáo về dịch vụ của công ty. Tất cả đều sẽ ngày một hoàn thiện và phát triển hơn.
Dù Keiko quảng cáo trên trang web như vậy, nhưng khi khách hàng có những phản ánh, góp ý về chất lượng của sản phẩm bán ra thì Keiko không những họ bỏ ngoài tai, mà còn đưa ra phản ứng kỳ lạ “có một không hai” trong kinh doanh: “Nếu khách hàng mua sản phẩm của chúng tôi thì hãy quên khái niệm bảo hành đi”! Phải chăng, Keiko bán hàng thương hiệu, nhưng thực chất là hàng kém chất lượng hoặc hàng giả nên có yêu cầu kỳ lạ đối với khách hàng?
Liên quan đến “chiến lược” bán hàng có một không hai của Keiko, phía cơ quan chức năng, Keiko VN, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ... sẽ có ý kiến như thế nào?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Hoan Nguyễn