Từ chối làm việc trực tiếp?
Ngay sau khi thực hiện bài viết phản ánh những nội dung liên quan đến tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng tới đời sống hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân. Phóng viên đã liên hệ với Sở TN&MT, được đại diện sở giới thiệu làm việc với ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, ông Bình cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra khi có kết quả sẽ làm việc cụ thể.
Nhưng không như những gì ông Bình đã nói, ngay khi nắm được thông tin đã có kết quả của kiểm tra, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Bình qua điện thoại thì nhận được trả lời sẽ không làm việc trực tiếp mà có 2 cách để trao đổi sự việc trên: “ Nếu anh sang cơ quan thì tôi sẽ bảo cán bộ cung cấp biên bản kiểm tra hoặc biên bản kiểm tra sẽ được chúng tôi soạn thành văn bản gửi ra ngoài tòa soạn báo”.
Khi phóng viên đề nghị được làm việc trực tiếp để trao đổi về một số nội dung thông tin liên quan sự việc và kết quả kiểm tra thì ông Bình một mực từ chối?
Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân
Biên bản kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân ngày 02/03/2019 của Sở TN&MT là một biên bản “đẹp”, với nhiều nội dung trái ngược với những gì mà nhiều người dân thôn Tân Thịnh và người dân sống gần Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân đã phản ánh, cũng như ghi nhận thực tế của phóng viên?
Cụ thể, công tác xử lý chất thải từ việc xử lý chất thải sản xuất, xử lý chất thải rắn đến công tác xử lý khí thải đều đảm bảo. Tiếp đến, ý kiến từ phía UBND xã Hóa Quỳ, UBND huyện Như Xuân, thì từ trước đến nay chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của bất kỳ tổ chức cá nhân nào phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân. Hằng năm đều tiến hành thanh kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác xử lý chất thải, xả thải của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân.
Cũng theo kết luận kiểm tra thì việc phản ánh của báo Thương hiệu và Công luận về mùi hôi ảnh hưởng đến nhân dân thôn Tân Thịnh là có. Tuy nhiên, sự việc chỉ diễn ra khi có thời tiết thay đổi. Đặc biệt là khi có gió mùa Đông Nam.
Liệu có bao che sai phạm?
Đối với những người dân Tân Thịnh và nhiều cơ quan báo chí về tình trạng ô nhiễm của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân thì không ngạc nhiên với một biên bản kiểm tra “đẹp” như trên. Bởi suốt những năm qua, với rất nhiều phản ánh của người dân địa phương về hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy này không ít cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh. Sau đó đều nhận được một biên bản với nội dung tương tự. Với kiểu biên bản kiểm tra như đã soạn “mẫu” sẵn như vậy của Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa có “áp dụng” hợp lý?
Bởi thời điểm năm 2015, cũng chính ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa làm trưởng đoàn, đã 2 lần tổ chức kiểm tra thực tế tại nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân vào các ngày 05/12/2015 và 18/12/2015.
Những chất đặc quánh, đen kịt bốc mùi hôi thối tại hồ lắng bên trong Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân
Trong cả 2 lần kiểm tra thực tế trên, Chi cục Bảo vệ môi trường đều có văn bản khẳng định: “Trong quá trình hoạt động, Công ty đã thực hiện tương đối đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý khí thải, bụi và xử lý nước thải theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, nước thải sản xuất đang được lưu giữ trong các hồ sinh học, không thải ra môi trường...”
Thế nhưng, chỉ ngay sau đó tại Công văn số 974/STNMT-TTr ngày 16/3/2016 của Sở Tài nguyên & Môi trường do ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc phụ trách ký, gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lại nêu rõ những sai phạm của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân: “Theo kết quả phân tích nước thải tại hồ sinh học số 6, các chỉ tiêu BOD, COD, độ màu vượt quy chuẩn cho phép từ 4 đến 10 lần.
Trước đó, tại kết quả kiểm tra, phiếu kết quả thử nghiệm số 25-TNH(S)/2016 và phiếu kết quả thử nghiệm số 24-TNH(S)/2016 ngày 5/1/2016 do Trung tâm dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa thực hiện, Sở TNMT có ý kiến: “Về chất lượng nước thải: Tại hồ sinh học số 5: phân tích 11 chỉ tiêu ô nhiễm, trong đó có 7 chỉ tiêu ô nhiễm vượt quy chuẩn hiện hành và quy định trong giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã cấp: COD vượt 1,94 lần, BOD5 vượt 3,79 lần, TSS vượt 2,36 lần, tổng N vượt 1,24 lần, tổng P vượt 1,44 lần, dầu mỡ vượt 1.33 lần và coliforms vượt 166,66 lần”.
Vậy rõ ràng nếu căn cứ theo khoản 2, mục II thông tư 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 quy định: “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có từ 02 thông số ô nhiễm môi trường thường vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép từ 5 lần trở lên”. Như vậy, nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân có được đánh giá là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng?
Quay trở lại với biên bản kiểm tra của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân ngày 02/03/2019 của Sở TN&MT Thanh Hóa, có “bổn cũ, soạn lại” với kết luận “đẹp” của Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa khách quan hay chỉ để đối phó mỗi khi người dân và báo chí phản ánh? Liệu có sự ngang nhiên bao che cho những sai phạm?
Lãnh đạo xã Hóa Quỳ, UBND huyện Như Xuân khi trao đổi với phóng viên (như bài viết đã nêu) các hộ dân phản ánh về việc ô nhiễm của nhà máy gây ra, đã đề nghị nhiều lần qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng không được giải quyết triệt. Thay vào đó là xã và huyện khẳng định chưa nhận được đơn thư, khiếu nại, tố cáo của bất kỳ tổ chức công dân nào về vấn đề ô nhiễm của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân?
Chính vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc chỉ đạo làm rõ những phản ánh của người dân thôn Tân Thịnh và người dân sinh sống gần khu vực Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân, tránh để bức xúc kéo dài, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Thuấn Nguyễn