THCL Báo cáo tài chính quý III/2016 cho thấy nhiều doanh nghiệp báo lỗ hàng trăm tỷ đồng, phải “gánh” lãi tiền tỷ hằng ngày.

Kết thúc quý III, nhiều doanh nghiệp báo lỗ hàng trăm tỷ đồng - Hình 1

Ảnh minh họa

Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016 cuả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Mã chứng khoán:EVN) cho thấy, với lợi nhuận sau thuế âm 716 tỷ đồng, (cùng kỳ năm ngoái lãi 888 tỷ đồng) đã ghi nhận lỗ khủng lên đến 930 tỷ đồng, so với khoản lãi 450 tỷ đồng năm ngoái.

Đặc biệt, chi phí tài chính trong kỳ là 15.460 tỷ đồng, tăng gần 7.780 tỷ, trong đó chi phí lãi vay chiếm 44,6%, tương đương mỗi ngày EVN phải trả bình quân khoảng 38 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.

Còn theo thông tin vừa công bố, một doanh nghiệp nức tiếng trong ngành gỗ là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) thì hết quý 3/2016, doanh thu của HAG đạt gần 1.254 tỷ đồng, giảm còn hơn phân nửa so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên đến hơn 405 tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí lãi vay đã lên tới 377 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, nợ phải trả của doanh nghiệp này đang ở mức hơn 34.893 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày HAG phải chi khoảng 4,2 tỷ đồng để trả lãi.

Sau 10 lần lỗ liên tiếp, báo cáo tài chính quý 3/2016, Công ty CP Việt An (Mã chứng khoán: AVF) tiếp tục báo lỗ. Theo đó, lỗ thuần quý 3 lên đến hơn 17 tỷ đồng sau khi trừ thêm chi phí bán hàng và quản lý. Không dừng lại ở đó, AVF còn phải chịu thêm khoản lỗ khác hơn 430 tỷ đồng, từ đó kéo lỗ ròng công ty lên mức gần 448 tỷ đồng.

Tính đến 30/09/2016, tổng nợ phải trả Công ty hơn 1,670 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn hơn 1,017 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu thì lại âm 1,237 tỷ đồng.

Để phục vụ dự án Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã đứng ra vay các tổ chức tín dụng số tiền lên đến 4.300 tỷ đồng và 326 triệu USD. Mỗi ngày, Vinachem phải trả lãi 2,6 tỷ đồng (tương đương 1.000 tỷ/năm).

Những số liệu công bố trên cho thấy, đã có sự buông lỏng trong công tác thẩm định, cho vay vốn ở các ngân hàng thương mại đối với những công ty có “bề dày” thua lỗ trong kinh doanh. Dù trước đó, NHNN cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo trong việc cấp vốn tín dụng cho những doanh nghiệp này.

Theo các chuyên gia tài chính, có một thực tế hiện nay là, nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu rất ít nhưng vay vốn quá nhiều, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án có quy mô hoành tráng, trong đó có những dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng - chủ yếu từ vốn vay - nhưng không có lãi, thậm chí lỗ triền miên.

Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Tình trạng này dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp nếu vay quá nhiều, gây rủi ro rất lớn cho khách hàng cũng như nền kinh tế”.

Anh Đức