Theo đó, Bách Hóa Xanh cho rằng, đã không ngừng nỗ lực tăng cường 200% - 400% công suất vận hành, tập trung mọi nguồn lực đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng tại khắp các tỉnh thành.
Thời gian vừa qua, Bách Hóa Xanh có nhận được thông tin phản hồi và dư luận xoay quanh hai vấn đề: Bách Hóa Xanh không giữ được giá bán như trước đợt dịch và chất lượng phục vụ chưa đảm bảo tại một số cửa hàng.
“Chúng tôi lắng nghe và đồng cảm với các bức xúc của quý vị về việc giá bán một số mặt hàng tăng và chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo như việc chưa cập nhật giá niêm yết kịp thời, tính tiền nhầm, cân sai, thái độ phục vụ chưa tốt… tại một số cửa hàng. Ban Lãnh đạo Bách Hoá Xanh đang rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm kiếm giải pháp xử lý"- thông báo nêu.
Đồng thời, Ban Lãnh đạo quyết định các hành động hướng đến việc kiểm soát giá bán như sau: Tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu cam kết giữ giá bán cố định đã đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM. Bán hàng có giới hạn số lượng để bảo đảm nhiều người mua được hàng và tránh tình trạng đầu cơ – thu gom sỉ.
Bách Hóa Xanh nỗ lực cao nhất để làm việc với nhà cung cấp để giữ giá mua vào không tăng lên bất hợp lý. Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục tăng sản lượng mua và giữ giá bán không tăng để phục vụ người tiêu dùng đủ sản lượng dồi dào.
Đối với trường hợp sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, Bách Hoá Xanh sẽ nỗ lực chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới để giảm áp lực cung ứng. Ví dụ mua hàng rau củ từ khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cung cấp thêm cho TP. HCM nhằm tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng cho người tiêu dùng.
Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá).
Trong những trường hợp khó khăn này, chúng tôi sẽ thông tin rõ ràng lý do đứt hàng vì giá mua vào tăng cao đến hách hàng.
Thông báo nêu thêm, ngoài các thay đổi về công tác cung ứng mua hàng nêu trên, Bách Hóa Xanh còn thiết lập nhiều trung tâm phân phối hàng tươi sống cơ động trước các cửa hàng Bách Hóa Xanh lớn và dùng xe máy trung chuyển đến các cửa hàng Bách Hóa Xanh khác để đáp ứng nhu cầu tăng tải.
Mở 35 điểm bán xuyên đêm phục vụ 24/24; chuẩn bị đưa nhu yếu phẩm về bán tại tất cả các cửa hàng của chuỗi nhà thuốc An Khang, nỗ lực duy trì hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh trong khu vực bị phong tỏa.
“Chúng tôi khẳng định Bách Hoá Xanh không có chủ trương tăng giá bán để gia tăng hiệu quả lợi nhuận. Bách Hóa Xanh đang nỗ lực tìm mọi và kiểm soát giá bán trong bối cảnh giá mua vào và chi phí toàn chuỗi cung ứng tăng cao”- thông báo nêu.
Liên quan đến vụ việc trên, như Thương hiệu và Công luận đã đưa, mở cửa phiên giao dịch tuần mới trong sáng 19/07/2021, cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động giảm mạnh (6,9%) trong bối cảnh công ty này đang phải hứng chịu làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng liên quan đến chuỗi Bách hóa Xanh.
Cụ thể, Chốt phiên giao dịch cuối ngày 19/7, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ở mức 156.500 đồng/cổ phiếu, giảm 11.600 đồng/cổ phiếu (-6,9%) so với ngày 16/7. Mức giá này chỉ còn cao hơn mức giá sàn đúng 100 đồng.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu MWG trong ngày 19/7 cũng cao nhất trong 1 tuần trở lại đây khi đạt tới 1,868 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch 297,07 tỷ đồng, khối lượng bán ra cao hơn gấp 2 lần khối lượng mua vào. Do đó, với mức giảm của cổ phiếu MWG, tài sản trên sàn của ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã giảm gần 700 tỷ đồng.
Nguyễn Tùng – Hoàng Dương