Khách hàng giảm mua sắm tại Trần Anh trước thông tin bị thâu tóm - Hình 1

Thông tin bị Thế Giới Di Động mua lại rò rỉ trên thị trường khiến khách hàng giảm mua sắm tại Trần Anh

Theo giải trình của Ban lãnh đạo công ty, những thông tin liên quan đến việc mua bán sáp nhập Trần Anh với Thế Giới Di Động đã ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và làm giảm doanh số.

Đáng chú ý, tổng tài sản của Trần Anh đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây, do giảm hàng tồn kho. Đây được coi là động thái làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của Trần Anh trước khi công ty này về chung nhà với Thế Giới Di Động.

Cuối tháng trước, công ty đã bổ nhiệm Giám đốc tài chính mới là ông Vũ Đăng Linh, người đang là Giám đốc tài chính của Thế Giới Di Động. Đồng thời, một lãnh đạo khác của Thế Giới Di Động được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc.

Mới đây, các cổ đông Trần Anh đã đồng ý để Thế Giới Di Động có thể mua trên 25% vốn điều lệ và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, đồng thời sẽ hủy niêm yết cổ phiếu trên HNX.

Trần Anh chiếm khoảng 14% thị phần điện máy cả nước với 39 siêu thị, phạm vi hoạt động chủ yếu tại miền Bắc và miền Trung, theo báo cáo thường niên 2016.

Công ty đang được nắm giữ khoảng 55% bởi người sáng lập đồng thời là Chủ tịch, Tổng giám đốc ông Trần Xuân Kiên cùng các thành viên gia đình. Tập đoàn Nhật Bản Nojima hiện Nojima nắm giữ 31% cổ phần của công ty này.

Trước đó, vào tháng 8, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết đang chờ xin cổ đông duyệt khoản tiền 2.500 tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm.

Thế Giới Di Động hiện dẫn đầu trên thị trường bán lẻ điện máy với doanh thu hơn 45.000 tỷ đồng và lợi nhuận gần 1.600 tỷ đồng trong năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã đạt 31.000 tỷ doanh thu và hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo Nhà quản trị