Toàn cảnh kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đời sống mọi mặt của nhân dân nhiều khó khăn.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 3,7%, thấp hơn so với cùng kỳ nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu nhiều tác động nặng nền của dịch bệnh COVID-19. Cơ cấu ngành trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Hoạt động đầu tư, kinh tế đối ngoại và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức rất thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, với 19 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 15 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD được ký biên bản ghi nhớ. 6 tháng đầu năm, đã thu hút 80 dự án đầu tư trực tiếp (9 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 7.583 tỷ đồng và 204,7 triệu USD; thành lập mới 1.321 doanh nghiệp, với số vốn 14.256 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ về số doanh nghiệp và 24,2% về vốn đăng ký, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 7 cả nước về số doanh ngiệp thành lập mới.
Các hoạt động văn hóa - xã hội được duy trì ổn định. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; đời sống Nhân dân tiếp tục được đảm bảo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra tại các kỳ họp trước, mặc dù đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thực sự có kết quả, nhất là tình trạng nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động của một số doanh nghiệp; nợ đọng thuế tại một số dự án có sử dụng đất; công tác thu hồi vốn tạm ứng các chương trình, dự án đầu tư công; việc khai thác, vận chuyển và tập kết khoáng sản trái phép, không phép; ô nhiễm môi trường trên địa bàn…
Trong những hạn chế, yếu kém nêu trên, có hạn chế, yếu kém đã kéo dài trong nhiều năm do sự tác động chủ yếu bởi yếu tố khách quan; có hạn chế, yếu kém mới phát sinh do sự tác động của cả yếu tố chủ quan và khách quan, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận, tìm các giải pháp khả thi, để từng bước khắc phục có hiệu quả các hạn chế, yếu kém này, nhằm nhanh chóng khắc phục, giải quyết căn cơ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đưa tỉnh Thanh Hóa bứt phá đi lên.
Tại Kỳ họp lần này, các đại biểu được nghe Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế- xã hội 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2020, thông báo của UBNMTTQ tỉnh Thanh Hóa về công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp...
Đồng thời, về công tác tổ chức, kỳ họp sẽ tiến hành các thủ tục miễn nhiệm và bầu bổ sung các chức danh các chức vụ: Trưởng ban Pháp chế, Phó Trưởng ban Văn Hóa- Xã Hội, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo chương trình kỳ họp, trong ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII sẽ nghe các báo cáo tờ trình tại kỳ họp.
Ngày 16/06/2020, buổi sáng dự kiến HĐND tỉnh thảo luận toàn thể tại hội trường. Buổi chiều, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh quan tâm, đồng thời, trình bày một số giải pháp lớn về điều hành trong 6 tháng cuối năm 2020 để thực hiện tốt Nghị quyết số 224/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020. Sau đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua các nghị quyết và sẽ bế mạc kỳ họp vào chiều cùng ngày.
Lê Nam- Hoài Thu