Bài 2: Xe quá tải "băm" nát đường quanh hồ
Chưa bao giờ vấn đề quản lý, xử lý vi phạm trong việc khai thác cát, nhất là khai thác cát trái phép trở nên nóng bỏng như thời gian vừa qua. Tình trạng khai thác cát trái phép đã và đang trở thành một vấn nạn.
Đường xá xuống cấp nghiêm trọng
Trước phản ánh gay gắt của dư luận, chúng tôi đã có mặt tại "đại công trường" khai thác cát trong lòng Hồ Dầu Tiếng. Dù đã có lệnh cấm nhưng mỗi ngày những chiếc xe ben vẫn tấp nập bám đuôi nhau ra vào các điểm khai thác cát. Chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt xe "hổ vồ" và xe ben tải trọng lớn cày xéo, băm nát con đường dân sinh phía dưới chân đập. Mỗi lần có xe chạy qua là những cơn lốc bụi lại cuộn lên cả chục mét, bao trùm các phương tiện tham gia giao thông khác.
Một số hộ dân sống tại khu vực cho biết: Mấy năm trước, con đường này còn đẹp và bằng phẳng lắm. Nhưng kể từ khi tỉnh cho phép hoạt động khai thác cát, không lâu sau nhiều xe tải chở cát quá tải lưu thông khiến đường sá bị cày xới tung tóe, bụi mịt mù.
Xe xúc cát đang hoạt động tại hiện trường
Điều đáng nói là lượng xe ben tấp nập ra vào bãi khai thác cát, có nhiều xe chở theo cả cát ướt, nước chảy lênh láng, một số xe có dấu hiệu quá tải khi chủ xe cố ý cơi nới thùng xe nhưng dường như không hề có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông cũng như thanh tra giao thông. Mặc dù bị người dân phản ánh, tỏ thái độ bức xúc, song các xe chở cát vẫn ngang nhiên hoạt động như đường dành riêng cho họ. Người dân nơi đây sợ hãi khi lưu thông trên con đường có xe chở cát đang hoạt động vì bụi và những xe này lao đi.
Dưới lòng hồ Dầu Tiếng, hàng trăm ghe đang hoạt động khai thác cát rầm rộ. Cát được hút dưới lòng hồ lên, ống hút xả thẳng lên bãi tập kết, nước đục ngập ngụa tràn ra ngoài rồi lại chảy thẳng về hồ. Ven lòng hồ hình thành những hố sâu, lỗ chỗ do tàn dư của khai thác cát. Trên bờ hồ, hàng loạt cần cẩu miệt mài xúc cát lên những chiếc ô tô vận tải cỡ lớn. Hết xe này lại đến xe khác vào lấy cát rồi lao đi ầm ầm cuốn theo lớp đất và bụi mịt mù. Điều đáng nói là hầu hết các xe tải này đều không được che chắn hoặc che chắn rất sơ sài khiến cát rơi vãi đầy đường.
Một người dân sống gần hồ cho biết: “Nếu xe chỉ hoạt động vài giờ một ngày thì không nói làm gì, chứ đằng này xe hoạt động ngày đêm, đường nào chịu cho thấu. Những ghe tàu khai thác cát xả nước đục ra hồ khiến cá, tôm chết hết, thậm chí thỉnh thoảng người dân còn vớt được cá lớn chết ngộp dạt vào bờ. Chúng tôi đã rất nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng, song không cơ quan nào giải quyết dứt điểm tình trạng trên”.
Bãi tập kết cát luôn có nhiều xe tải ra vào tấp nập.
Được biết, tại khu vực lòng Hồ Dầu Tiếng hiện nay có tới 11 đơn vị được cấp phép khai thác cát nằm trên 2 huyện: Tân Châu có 06 mỏ, Dương Minh Châu có 05 mỏ.
Tổng trữ lượng cát được khai thác là 6.452.454 m3. Trong quá trình khai thác, một số doanh nghiệp đã có vi phạm như: Công ty TNHH Hiệp Thuận, Công ty CP xây dựng Thành Đạt, DNTN Thành Phúc. Các công ty, doanh nghiệp này bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên nước và khoáng sản.
Ngoài những sai phạm trên thì việc các đơn vị đưa các xe tải có tải trọng lớn vào các bãi tập kết cát trong lòng hồ và gần chân đập có thể gây mất an toàn cho đập chứa. Mỗi khi xe hoạt động là cả thân đập rung động và đường giao thông bốc bụi mù mịt.
Khó kiểm soát hết
Không chỉ khó khăn trong nhân sự, lãnh đạo Thanh tra GTVT tỉnh Tây Ninh còn cho biết các đối tượng chạy xe quá tải hoạt động hết sức ma mãnh và táo bạo. Đại diện Thanh tra GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết: “Mỗi khi xe của đoàn Thanh tra đi kiểm tra là đã có một số người “phục” sẵn ngoài cổng để thông báo cho nhau biết. Không những thế, họ còn đi theo xe của đoàn để thông báo cho đồng bọn biết đường né tránh lực lượng kiểm tra. Nhiều tài xế khi bị kiểm tra thì đóng cửa bỏ xe chạy thoát thân”.
Xe chở cát ầm ầm lao đi kéo theo lớp bụi mù mịt.
Vị này cũng cho biết, thẩm quyền của Thanh tra chỉ là dừng và kiểm tra phương tiện tham gia giao thông để đảm bảo tình hình an toàn giao thông. Về nguồn gốc hàng hóa trên xe, Thanh tra không có thẩm quyền giải quyết. Hơn nữa, khi tài xế bỏ xe rồi chạy, việc tìm chủ nhân của chiếc xe để bắt phạt không hề dễ dàng.
Thiết nghĩ, tình trạng hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người dân, các cơ quan chức năng cần quản lý, giải quyết quyết liệt hơn. Chưa kể đến việc các đơn vị vận tải hoạt động chở cát làm đường hư hỏng đường phải sớm sửa chữa thì đơn vị nào sẽ bỏ kinh phí hay lại lấy ngân sách Nhà nước?
Hải Đăng