Phú Thọ hiện có khoảng 180 dự án đầu tư đăng ký còn hiệu lực của 172 doanh nghiệp FDI, với vốn thực hiện 1.786,4 triệu USD. Trong số các dự án còn hiệu lực, có 133 dự án đã đi vào hoạt động, vốn đăng ký 1.325,5 triệu USD.
Đã có nhiều dự án, quy mô lớn, công nghệ cao, xuất khẩu 100% và là vệ tinh của các tập đoàn lớn, trong đó có nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH JNTC ViNa (vốn đăng ký 220 triệu USD, hiện nay 360 triệu USD sau khi mở rộng năm 2020); dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu của Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ 130 triệu USD... đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
![Với chính sách ưu đãi, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào tỉnh, góp phần đảm bảo phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Với chính sách ưu đãi, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào tỉnh, góp phần đảm bảo phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/09/06/22-1599179192-1630916534.jpg)
Thông qua việc thu hút đầu tư FDI đã thúc đẩy nhanh quá trình phát triển các ngành công nghiệp mới, duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp. Số lượng các dự án đăng ký tăng nhanh, sản xuất kinh doanh tăng trưởng đều, có thị trường ổn định.
Doanh thu, giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm tỉ trọng lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh, của cả nước. Năm 2020, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng 13,43% GRDP; đóng góp 4,3% thu ngân sách của tỉnh.
Ngoài ra, trong các doanh nghiệp đã hình thành đội ngũ công nhân lao động có tác phong làm việc chuyên nghiệp; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động, thay đổi ngành nghề đào tạo; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, việc thu hút và sử dụng vốn FDI còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Một số mục tiêu đặt ra nhưng chưa được hoàn thành, chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài còn thấp; tính liên kết, lan tỏa rất hạn chế; còn mất cân đối theo địa bàn và lĩnh vực; vai trò của các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị- xã hội chưa được phát huy, chậm khắc phục những mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI...
Khắc phục những hạn chế trên, giai đoạn 2021-2025 được tỉnh xác định là giai đoạn vị thế của Việt Nam và môi trường cạnh tranh quốc gia đang tăng lên; các lợi thế của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EVFTA, các hiệp định song phương; chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Nhật Bản… là những cơ hội và thuận lợi trong thu hút đầu tư của quốc gia nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định khâu đột phá của nhiệm kỳ là tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Theo đó, tỉnh sẽ đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược trong nước, ngoài nước, tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao.
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý của nhà nước; nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc, công đoàn và của nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với việc quản lý, thu hút vốn đầu tư FDI, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững và ổn định chính trị xã hội trên địa bàn. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh thực sự thông thoáng, có năng lực cạnh tranh cao, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích và phát triển mạnh các thành phần kinh tế; phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện lực đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số...
Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực, trình độ và hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy quản lý nhà nước, bảo đảm nhất quán, minh bạch, ổn định; tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và của nhà nước, người lao động.
Với cách tiếp cận thực hiện chủ động, sáng tạo, Phú Thọ đang tiến những bước chắc chắn trong việc xây dựng môi trường đầu tư FDI tối ưu, hiện đại, tạo ra lợi thế đầu tư mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Hoan Nguyễn