Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngoài ra, để vượt qua được các rào cản về kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường các nước EU, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình.

Một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định EVFTA một cách thuận lợi và hiệu quả, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ: http://evfta.moit.gov.vn/. Đây là Cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương, đăng tải các thông tin tổng quan về EVFTA, cam kết chính của EVFTA trong các lĩnh vực chủ chốt như hàng hóa, dịch vụ - đầu tư,…, các thông tin hữu ích cho nhà xuất khẩu, toàn bộ văn kiện Hiệp định EVFTA (tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt).

Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn thách thức khi EVFTA có hiệu lực, cụ thể:

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua các yêu cầu bắt buộc về rào cản kỹ thuật như an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường,.. của EU. Các quy định này rất chặt chẽ, yêu cầu cao, do vậy, hàng hóa của Việt Nam phải hoàn thiện nhiều về chất lượng để có thể vượt qua các rào cản này.

Sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của EU cũng là thách thức. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Hàng hóa Việt Nam cần đáp ứng tiêu chí xuất xứ mới có thể được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi theo FTA vào EU theo EVFTA. Tuy nhiên, cũng như sức ép cạnh tranh, đây vừa là thách thức cũng vừa là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU còn kém cạnh tranh so với các nước xuất khẩu khác; trong khi thị trường EU rất chú trọng vấn đề thương hiệu.

Minh Tâm