Năm 2015, cầu Xóm Bóng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục 50 cây cầu ưu tiên xây dựng. Ngày 16/01/2017, Bộ GTVT có Văn bản số 138/QĐ- BGTVT phê duyệt dự án tín dụng ngành, cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các tuyến quốc lộ sử dụng vốn vay EDCF- Giai đoạn 1, trong đó: Cầu Xóm Bóng xây dựng quy mô 4 làn xe cơ giới và có bố trí lề bộ hành, tổng bề rộng cầu 19m; Gồm 8 nhịp dài 328,3m; Vị trí hạ lưu cầu cũ khoảng 6m; Thông thuyền 25m x 4m; Đường đầu cầu theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu; Tháo dỡ cầu cũ để xây cầu mới thay thế; Kết cấu nhịp BTCT DƯL; Kết cấu phần dưới: Mố, trụ cầu BTCT đổ tại chỗ; Móng BTCT; Có hệ thống chiếu sáng. Nguồn vốn đầu tư: Vốn ODA ưu đãi từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư xây dựng: Chi phí xây dựng: 181.136.176.500 đồng (8.299.668 USD), chưa kể các chi phí: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quản lý dự án; Tư vấn đầu tư và xây dựng; …Thời gian thực hiện dự kiến: Quý III/2017. Ngày 29/5/2019, Bộ GTVT có Quyết định số 1040/QĐ-BGTVT điều chỉnh dự án, trong đó: Thời gian thực hiện dự án: Hoàn thành sau 4 năm từ khi ký kết Hiệp định vay vốn của Dự án… Do Ban quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) là chủ đầu tư. Nhưng năm 2019, cầu xuống cấp nghiêm trọng phải sửa chữa để sử dụng.
Theo thông báo của cơ quan chức năng: Ngày 26/3/2022, cầu Xóm Bóng được đóng để phá dỡ, xây cầu mới. Chủ đầu tư: Bộ Giao thông Vận tải. Cơ quan thực hiện dự án: Ban quản lý dự án 2. Tư vấn giám sát: Liên danh Sambo - Dasan- Jinwoo… Nhà thầu: Liên danh Samwhan - Cienco 4… Thời gian thi công: 18 tháng - Khởi công: Tháng 03/2022…”. Với thông tin trên, tháng 9/2023 cầu Xóm Bóng mới hoàn thành.
Theo văn bản 7446/UBND- XDNĐ của UBND tỉnh Khánh Hòa: “UBND thành phố Nha Trang đã thực hiện công tác GPMB như sau:- Đã bàn giao mặt bằng phần đầu cầu phía Bắc và phần thân cầu cho Ban QLDA 2 triển khai thi công. –Đối với 27 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó: 14 trường hợp có diện tích thu hồi nhỏ (từ 0,1- 3,3 m2) đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép tồn tại tại văn bản số 4169/UBND-XDNĐ ngày 11/5/2022. 13 trường hợp còn lại, hiện UBND thành phố Nha Trang đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 13/13 trường hợp, tổ chức chi trả và bàn giao mặt bằng 11/13 trường hợp. Còn lại 2 trường hợp (01 hộ dân đang giải quyết khiếu nại và 01 tổ chức là BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đang chờ ý kiến về thu hồi đất của Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng) sau khi giải quyết xong sẽ tổ chức chi trả và bàn giao mặt bằng cho dự án. – Về di dời hạ tầng kỹ thuật: …đảm bảo không làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án.
Nhìn chung, công tác giải phóng mặt bằng của địa phương đã cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công của dự án. Ban QLDA 2 đã ký hợp đồng với đơn vị thi công để triển khai dự án trong vòng 18 tháng….
Công trình cầu Xóm Bóng có vị trí đặc biệt quan trọng nằm trên trục xuyên tâm thành phố Nha Trang…., nằm cạnh khu di tích kiến trúc - nghệ thuật Tháp Bà Ponagar, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt xếp hạng di tích lịch sử và văn hóa năm 1979…
Sau 2 năm ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng bị gián đoạn bởi đại dịch Covid- 19, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của tỉnh. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã kiểm soát được dịch Covid- 19, ngành du lịch của tỉnh đang bắt đầu phục hồi trở lại. Tuy nhiên, việc đóng đường, phân luồng giao thông phục vụ thi công cầu Xóm Bóng chỉ còn hướng lưu thông độc đạo qua cầu Trần Phú thường xuyên bị ùn tắc, làm ảnh hưởng hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế xã hội của thành phố Nha Trang nói chung.
Để giảm thiểu thiệt hại ảnh hưởng nêu trên đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo Ban QLDA 2 rút ngắn tiến độ thi công công trình cầu Xóm Bóng ít nhất 3 tháng….”. Như vậy, theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án phải hoàn thành vào tháng 6/2023 để đưa vào khai thác sử dụng.
Đây là dự án UBND tỉnh giao cho UBND TP. Nha Trang phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, với diện tích đất thu hồi khoảng 1,859ha; 13 đơn vị có công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời; 27 thửa đất và 1 bãi đỗ xe bị ảnh hưởng; 5 trường hợp phải tái định cư. Nhưng do sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chức năng, sự nỗ lực của đơn vị thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành đúng kế hoạch, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Với điều kiện rất thuận lợi: Đầy đủ thủ tục pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện đúng kế hoạch, nguồn kinh phí đáp ứng đầy đủ, việc UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị rút ngắn thời gian thi công xuống trước ít nhất 3 tháng là hoàn toàn hợp lý và khả thi. Đây cũng là mong muốn chung của nhân dân thành phố Nha Trang.
Tuy nhiên, kể từ khi văn bản 7446/UBND-XDNĐ gửi đi ngày 09/8/2022, đến nay hơn một tháng nhưng Bộ GTVT vẫn chưa hồi âm? Theo văn bản số 9680/UBND-XDNĐ ngày 10/10/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đề nghị:
“1. Về tiến độ thi công công trình: ….rút ngắn tiến độ thi công công trình cầu Xóm Bóng ít nhất 03 tháng theo tiến độ đã ký kết trong hợp đồng thi công, sớm đưa cầu Xóm Bóng vào khai thác.
- Đối với các trụ bê tông cũ hiện hữu nằm trong hành lang an toàn cầu: Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án 2 xem xét đưa phương án thực hiện thanh thải các trụ đỡ này vào dự án, để không gây cản trở, mất an toàn giao thông đường thủy nội địa, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn công trình cầu mới được xây dựng.”
Tìm hiểu vấn đề này, theo Kỹ sư Trần Văn Nghĩa - Đại diện đơn vị thi công CIENCO 4 cho biết: Việc rút ngắn tiến độ 3 tháng “Bài toán này rất khó, góc độ kỹ thuật không thể rút được”. Đối với các trụ bê tông cũ hiện hữu nằm trong hành làng an toàn cầu: Việc thanh thải các trụ đỡ là ngoài hợp đồng đã ký, “sau khi cầu mới hoàn thành sẽ di dời hệ thống điện và thông tin lên cầu mới; khi đó chỉ còn lại các trụ cầu Pháp cũ, nó mất cảnh quan và ảnh hưởng đến thông thuyền. Nhưng việc giải phóng mặt bằng thuộc về trách nhiệm của địa phương, trong dự án làm cầu mới không có hạng mục phá dỡ cầu cũ này. Hiện đơn vị thi công vẫn đang theo đúng hợp đồng đã ký; khó khăn chủ yếu hiện nay là địa chất phức tạp, lại gặp 2 tháng mùa mưa lũ”.
Đựơc biết: Các trụ cầu Xóm Bóng khi phá dỡ cầu cũ để làm cầu mới đã được phá dỡ xong. Nhưng đây là cây cầu có chiều dài lịch sử từ thời Pháp, trải qua nhiều lần xây dựng, sửa chữa, bên cạnh cầu Xóm Bóng cũ còn có một hàng trụ bê tông, hiện được sử dụng làm trụ đỡ hệ thống điện và thông tin.
Như vậy có thể thấy: Việc “rút ngắn tiến độ thi công công trình cầu Xom Bóng ít nhất 03 tháng theo tiến độ đã ký kết” là vấn đề đơn vị thi công khó có thể thực hiện. Với các trụ bê tông cũ hiện hữu nằm trong hành lang an toàn cầu: Việc “đưa phương án thực hiện thanh thải các trụ đỡ này vào dự án” là vấn đề cần thiết, nhưng không có trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, với 2 văn bản đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT cần có văn bản trả lời chính thức, rõ ràng, theo đúng quy định của Nhà nước.
Trần Minh Ngọc