Tham dự diễn đàn: Về phía tỉnh Khánh Hòa có ông Lê Hữu Hoàng- Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh. Về phía khách mời có: Ông Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực- Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV; Ông Phan Việt Hoàng- Tổng thư ký Hiệp hội môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa; Ông Trần Quốc Trung- Tổng giám đốc Địa ốc Nam Trung Bộ- Đất Xanh Services; Ông Nguyễn An Minh Trí- Phụ trách sale dự án Vegacity Nha Trang. Về đơn vị tổ chức có: Ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp; Bà Đặng Thị Thu Nguyệt- Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa. Tham dự hội thảo còn có đại diện nhiều dự án, các doanh nghiệp môi giới Bất động sản hoạt động trên địa bàn; Đại diện các cơ quan thông tin truyền thông.

Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Tại diễn đàn, nhiều vấn đề được chia sẻ, nhưng một vấn đề được tập trung sôi nổi là: Làm thế nào để Khánh Hòa tiếp tục trở thành điểm sáng đầu tư? Sau đây là một số ý kiến các chuyên gia và đại biểu đáng lưu ý:

Ông Lê Hữu Hoàng- UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu: “…Khánh Hòa là một trong những tỉnh thành có tốc độ kinh tế phát triển nhanh, ảnh hưởng lớn đến bộ mặt nền kinh tế của cả nước. Trong những năm gần đây, tỉnh liên tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang “thay da đổi thịt” từng ngày để hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa lớn của cả nước và quốc tế. Ngày 24/02/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Theo như kế hoạch này, tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030. Trước thông tin sắp trở thành đô thị Trung ương, thị trường bất động sản Khánh Hòa bắt đầu trở nên náo nhiệt.

Ông Lê Hữu Hoàng- UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu.
Ông Lê Hữu Hoàng- UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

   Chưa dừng lại ở đó, ngày 28/01/2022, trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Đặc biệt đến năm 2045, Khánh Hòa sẽ trở thành một đô thị thông minh, sánh ngang tầm vóc với các đô thị khác trong khu vực châu Á. Nghị quyết này của Bộ Chính trị đã trở thành một “cú hích” lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng của tỉnh Khánh Hòa…

Trong 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với công tác lập quy hoạch: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm; Quy hoạch phân khu thuộc đô thị mới Cam Lâm. Việc hoàn thiện các quy hoạch chung để làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch phân khu (bao gồm lập quy hoạch điều chỉnh và lập bổ sung quy hoạch đối với các khu vực chưa có quy hoạch), hướng tới phủ kín quy hoạch phân khu tại các địa phương. Trước đây vẫn còn tình trạng các quy hoạch chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, không phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa. Việc phủ kín quy hoạch sẽ giúp đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch, tạo công cụ quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư hiệu quả, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tỉnh Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vừa qua, tỉnh Khánh Hòa cũng gặp một số về vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực đất đai trong quá trình thu hút đầu tư, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến cho sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Để sớm vượt qua những thách thức này, đồng thời xác định rõ tầm nhìn dài hạn và hệ giải pháp tổng thể, khả thi, hiệu quả thì bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, còn rất cần chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp của Trung ương, góp phần đưa Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới….”

Theo ông Nguyễn An Minh Trí - Đại diện dự án bất động sản Vega City Nha Trang: Khánh Hoà nhiều năm qua được coi là một tâm điểm hút vốn của thị trường bất động sản bởi địa phương này có vị trí và tiềm năng lớn khi vừa có biển, đồng bằng, miền núi, có 3 vịnh, là cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển, có hệ thống giao thông thuận lợi, và đặc biệt sở hữu một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới... Rất nhiều chủ đầu tư đã không ngần ngại rót vốn để xây dựng những dự án du lịch nghỉ dưỡng tại thành phố biển xinh đẹp này, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều dự án đạt chất lượng quốc tế. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nhiệm vụ “phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao” là động lực cho nền kinh tế của tỉnh, hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản Nha Trang trong giai đoạn đến năm 2030. Khánh Hòa cần có một quy hoạch chung tổng thể, tránh bị trùng lặp nhau về ý tưởng và triển khai, mang tính liên kết vùng tạo ra sự cộng hưởng, đặc biệt cần phải có những dự án độc đáo, đạt tiêu chuẩn quốc tế để mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt, để họ có thể lưu trú lâu hơn khi đến với Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực tham gia diễn đàn.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực tham gia diễn đàn. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Theo TS. Cấn Văn Lực- Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Khánh Hòa có "nhiều điều tiếc" khi không thể phát huy mọi tiềm năng về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Không có nơi nào được ưu đãi nhiều như Khánh Hòa, khí hậu, sân bay, cảng biển,... mọi thứ đều có nhưng về mặt quản trị địa phương cần phải làm tốt hơn. Khánh Hòa hiện nay đang có rất đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm nghẽn dù nhiều tiềm năng, lợi thế Bất động sản là rất lớn. Về vướng mắc, có 4 thứ mà địa phương cần được tháo gỡ: Thứ nhất, cơ chế chính sách tại địa phương là ưu tiên hàng đầu, nếu ở Trung ương “ngon lành” mà tại địa phương lại có nhiều giấy phép con, khó khăn thì không được. Thứ hai, là nguồn nhân lực, chính những con người làm quản trị công tại Khánh Hòa hiện nay vẫn chưa làm tròn vai. Thứ ba, là cơ sở hạ tầng; cơ sở hạ tầng là huyết mạch, là liên kết vùng tạo điểm nhấn cho du lịch, kết nối giao thông, giáo dục đào tạo, y tế,... Cùng với đó là khoa học công nghệ, cần ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả lĩnh vực tại địa phương”. Đối với du lịch, Khánh Hòa vẫn thiếu 3 thứ quan trọng: Đầu tiên là sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn. Bên cạnh đó phải phát triển kinh tế đêm, có sự chuẩn bị về sản phẩm du lịch đêm, kinh tế đêm, có nhiều sản phẩm dịch vụ đêm, an ninh buổi tối, giao thông đi lại, cung cấp các dịch vụ khác liên quan... cần có một hệ sinh thái đồng bộ, muốn có kinh tế đêm thì bộ máy quản lý phải tư duy về kinh tế đêm. Cuối cùng là vấn đề con người, du lịch và BĐS cần phải chuyên nghiệp hơn. Các đơn vị cần nâng cao chất lượng về quản lý, phục vụ, đào tạo nguồn nhân lực cho các sự kiện dài hơi để nâng cấp chất lượng điểm đến, dự án đang được phát triển tại vùng trũng đầu tư. Vì nhiều lý do nên nguồn vốn trong nước hiện nay đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp phải chấp nhận tái cơ cấu, cái nào không hiệu quả, chưa gấp phải dừng lại để triển khai các hạng mục ưu tiên, trả nợ, giữ người, bảo đảm tài chính để duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tham gia diễn đàn.
Ông Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tham gia diễn đàn. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Theo ông Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Miền Trung và Nam Trung Bộ đang là một khu vực trũng thu hút quan tâm của giới đầu tư trên cả nước. Theo đó, khu vực này thời gian tới vẫn còn rất nhiều dư địa tiềm năng, dẫu có chững lại vì các vấn đề chưa phù hợp, cơ chế, nguồn hàng,... Khánh Hòa có thể đi tắt, đón đầu xu thế để nhà đầu tư đến địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm có giá trị, hướng đến giá trị cao, tinh hoa, chứ không chỉ nghĩ đến việc thu hút đông về số lượng. Doanh nghiệp hãy nghĩ cách thu hút lượng khách hạng sang, chi tiêu nhiều đến với địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Trong tương lai, các dự án tại Khánh Hòa và Nam Trung Bộ cần được phát triển hiện đại, cao cấp. Hạ tầng tại các địa phương cũng phải tương xứng. “Khánh Hòa có tiềm năng cực kỳ lớn khi các vùng dư địa được quan tâm, các nhà đầu tư hiện chưa thả tiền vì vẫn còn quan sát, chính quyền cần có động thái quyết liệt để trấn an tâm lý nhà đầu tư, tránh tạo ra những bất ổn cho thị trường BĐS. Làm thế nào khi Khánh Hòa là điểm sáng, vùng tiềm năng được phát triển thực sự mới chính là vấn đề đáng quan tâm. Về vấn đề quy hoạch, khi được công bố chính thức sẽ là thời điểm các nhà đầu tư dồn nhiều sự quan tâm nhất. Khi Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì vấn đề phát triển BĐS sẽ diễn tiến rất nhanh. Địa phương cần thay đổi về quản trị, có nhiều dự án đã phê chuẩn nhưng không thể thực hiện vì những lúng túng. Đặc biệt, Khánh Hòa nên chủ động đề xuất để Trung ương tháo gỡ cơ chế, khó khăn đang kiềm hãm đà phát triển.

Ông Phan Việt Hoàng- Tổng thư ký Hiệp hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa phát biểu.
Ông Phan Việt Hoàng- Tổng thư ký Hiệp hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa phát biểu. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Bên lề diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng: Khánh Hòa cần tập trung giải quyết nhanh những vướng mắc cho các dự án đầu tư mà qua kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng thời gian qua đã phát hiện như: Vấn đề “Đất ở không hình thành đơn vị ở”; Dự án địa phương cấp phép triển khai nhưng sai quy hoạch; Dự án mới triển khai gần đây đúng quy hoạch nhưng có phương án quy hoạch mới trùng dẫm, chồng chéo; Dự án triển khai từ lâu, hàng nghìn hộ dân đã làm nhà, sinh sống ổn định, nhưng còn vướng mắc thủ tục pháp lý, chưa làm được “sổ đỏ” nhà đất cho dân; Dự án chưa đủ điều kiện đã đưa vào kinh doanh, mua bán, thu tiền của nhiều người dưới hình thức hợp đồng “lách luật”, nay chưa hoặc không thể triển khai theo tiến độ; Dự án đang bị các cơ quan chức năng thông báo phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền vào ngân sách theo kết luận thanh tra, kiểm tra; Dự án đã bán căn hộ, đất nền cho người mua, nhưng lại mang thế chấp ngân hàng và bị ngân hàng siết nợ…Là những vấn đề trở ngại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư bất động sản…

Có thể nói, Diễn đàn Bất động sản Nam Trung Bộ 2022: “Điểm sáng đầu tư”, đã thành công tốt đẹp: Cung cấp rất nhiều thông tin thiết thực về tình hình hiện tại, xu hướng phát triển, giải pháp xử lý tồn tại vướng mắc cho cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đầu tư, môi giới tại khu vực Nam Trung Bộ, trong đó đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.

Trần Minh Ngọc