KKT Vân Phong nằm trong quần thể vịnh Vân Phong, có lợi thế và tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình kinh tế biển. Tuy nhiên, KKT Vân Phong mới thu hút được 158 dự án đầu tư mới (129 dự án trong nước và 29 dự án có vốn nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký tương đương 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 1,15 tỷ USD. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là con số khiêm tốn so với một KKT vốn có lợi thế bậc nhất miền Trung hiện nay.
Giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa về việc tạm thời dừng lập quy hoạch tổng thể đối với đặc khu Vân Phong, cho đến khi luật về đặc khu được Quốc hội thông qua.
Sau khi kiến nghị được chấp thuận, KKT Vân Phong đã có những bước nhảy vọt trong thu hút hàng loạt dự án “khủng” trị giá hàng chục tỷ USD. Tháng 7/2020 vừa qua, Tập đoàn dầu khí Millenium (Hoa Kỳ) đã có đề xuất đầu tư dự án khí hóa lỏng với số vốn 15 tỷ USD vào Vân Phong. Tập đoàn này sẽ xây dựng nhà máy điện và kho cảng chứa khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực Nam Vân Phong, công suất nhà máy điện là 9.600MW.
Đặc biệt, tập đoàn này mong muốn sẽ biến kho cảng LNG ở Nam Vân Phong thành trung tâm năng lượng của Đông Nam Á. Không lâu sau, tin vui tiếp tục đến với Vân Phong, khi Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản) muốn cụ thể hóa chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Vân Phong với công suất 3.000MW, tổng mức đầu tư 3,2 tỷ USD.
Với diện tích 1.500ha, lại có nhiều đất còn trống sẽ là điều kiện thuận lợi để KKT Vân Phong chuyển mình thu hút đầu tư. Hiện nay, có khoảng 200 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, dự kiến sẽ thu hút khoảng 60 tỷ USD vốn đầu tư vào Vân Phong thời gian tới.
Trong tình hình dịch Covid-19, các nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng dự báo của các chuyên gia, năm 2021 Khánh Hòa sẽ là lá cờ đầu trong thu hút đầu tư, trọng tâm là KKT Vân Phong. Theo Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong Hoàng Đình Phi, để kêu gọi đầu tư và muốn Vân Phong trở thành trung tâm của điện khí hóa, tỉnh Khánh Hòa đã rà soát và dành 1.053ha đất tại Vân Phong để nhà đầu tư lựa chọn.
Hiện các vị trí đất nói trên đã được nhà đầu tư nhắm đến, nhất là các công ty đầu tư về dự án điện khí. Bên cạnh đó, hạ tầng KKT Vân Phong đang nhanh chóng hoàn chỉnh, trong đó có việc đưa cảng dịch vụ Nam Vân Phong vào hoạt động. Các khu công nghiệp tại Vân Phong cũng đã đi vào hoạt động và hạ tầng đã hoàn thành đồng bộ, đó là lợi thế không nhỏ cho Vân Phong thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để tạo bước phát triển đột phá cho Vân Phong, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực đẩy mạnh các chương trình thu hút đầu tư, đặc biệt là kêu gọi những đối tác có tầm, có tâm.
“Sắp tới tỉnh Khánh Hòa sẽ báo cáo Bộ Công thương bổ sung 4 vị trí quy hoạch cho điện khí và kho khí hóa lỏng mà tỉnh đã lựa chọn. Nếu dự án được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch điện VIII, tỉnh sẽ đồng thuận để các doanh nghiệp nói trên vào đầu tư. Mục đích cuối cùng là muốn Vân Phong trở thành trung tâm điện khí, nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.
Thùy Linh