Khảo sát kỳ thi học sinh lớp 12 tại Hà Nội: Tập dượt trước kỳ thi chính thức - Hình 1

“Lo ngại” đề thi khó

Tại Hà Nội, kỳ thi khảo sát diễn ra từ ngày 20 -22/3, có 141 điểm thi, trong đó có 95 điểm thi trường đơn (một trường là một điểm thi) và 46 điểm thi liên trường. Cụm trưởng những điểm thi liên trường có trách nhiệm tổng hợp số lượng học sinh và phân chia học sinh tại từng điểm thi sao cho các em không phải đi quá xa, đồng thời bảo đảm tính nghiêm túc trong khâu coi thi.

Sau kỳ thi, nhiều thí sinh cho biết, đây là một lần thử sức cho kỳ thi chính thức sắp tới. Qua đây, các em được cọ sát với đề thi và biết được sức mình đang ở đâu còn cố gắng phấn đấu.

Bên cạnh đó, không ít học sinh cho rằng, đề thi khó, thời lượng làm bài lại ngắn nên thí sinh khó đạt được điểm tuyệt đối. Bạn Nguyễn An Khánh, thí sinh tại Trường THPT Chu Văn An cho biết: Bài khảo sát môn Toán khá khó, khó nhất trong tất cả các bài thi khảo sát. Khánh lo ngại, nếu đề thi thật mà khó như thế này thì phải xem xét lại việc chọn trường và đăng ký vào những trường top dưới.

Bạn Tống Đức Tú, thí sinh dự thi tại hội đồng thi THPT Việt Đức cũng cho biết, với 40 câu hỏi trong vòng 50 phút của một môn trong bài thi tổng hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, học sinh khó có thể hoàn thành bài thi vì thời gian quá ngắn, mỗi câu hỏi chỉ có hơn 1 phút để vừa đọc vừa chọn phương án trả lời…

Nhiều giáo viên cho rằng, dù là thi khảo sát để học sinh tập dượt trước kỳ thi chính thức, nhưng đề bài khó, học sinh không dễ đạt điểm cao, còn học sinh trung bình sẽ chật vật mới đạt điểm trung bình khá.

Dù vậy, các thí sinh vẫn cho rằng, đề thi khó là cơ hội để các em nhìn nhận lại sức học và có cách ôn thi hợp lý.

Theo cô giáo Vũ Thị Hương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT yên Viên, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, học sinh không thấy lo lắng nhiều, thậm chí các em còn rất hào hứng và mong kỳ thi này để được cọ sát với đề thi. “Bản thân tôi thấy rằng, kỳ thi khảo sát này rất cần cho học sinh, bởi học sinh sẽ biết được thời lượng làm bài, biết được cách thức ra đề, từ đó tính được thời gian để mình làm bài cho tốt hơn. Về phía các thầy cô cũng được coi thi, cọ xát thực tế, từ đó nắm bắt được quy trình coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia sau này”, cô Hương cho biết.

Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, đây là cuộc tập dượt có ý nghĩa không chỉ với học sinh, mà với cả cán bộ quản liý, giáo viên. Học sinh được làm quen với cách thức thi mới, thầy cô giáo được tập dượt nhiều đầu việc mới, từ đó cùng nhìn nhận lại công tác chuẩn bị của đơn vị mình để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, đáp ứng với yêu cầu.

Kiểm soát kỹ đề thi chính thức

Trong kỳ thi khảo sát đã có lỗi sai sót nhỏ trong đề thi Toán và Hóa. Cụ thể, ngay sau khi kết thúc thi thử môn Toán chiều 20/3, một số học sinh đã phản ánh, có một câu sai khi không có đáp án nào đúng. Theo đó, mã đề 015 sai câu 37, cả 4 đáp án trong đề đều không đúng.

Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Trưởng ban đề thi (Sở GD&ĐT Hà Nội) thừa nhận sai sót này và cho biết, đây là lỗi kỹ thuật của khâu ra đề, cả 4 đáp án trong mã đề này đều không phải là phương án đúng.

Tiếp theo, sáng ngày 21/3 trong giờ thi môn Hóa, có một câu trong bài thi Hóa bị trống nội dung trong phương án C. Tuy nhiên, giám thị coi thi đã hướng dẫn cho thí sinh bỏ qua phương án này. Sở GD&ĐT đã xác nhận, trong quá trình đảo đề gốc sang 24 mã đề môn Hóa đã xảy ra lỗi kỹ thuật dẫn đến câu 62 ở phương án C mã đề 003 không hiển thị nội dung.

Sau khi kỳ thi thử tại Hà Nội kết thúc, phụ huynh và học sinh đều lo lắng bởi độ khó của đề thi, có phụ huynh cho rằng, nếu trong kỳ thi chính thức cũng xảy ra sai sót thì ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thi và tâm lý thi của thí sinh.

Giải đáp những thắc mắc này, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc ra đề thi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm 2107, được Bộ thực hiện theo quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa. Cấu trúc đề thi với phần mềm đặc biệt sẽ sắp xếp tất cả các mã đề thi theo định dạng từ dễ đến khó - giúp thí sinh ổn định tâm lý, tập trung làm bài theo năng lực của mình. Vì thế, sẽ không có trường hợp thí sinh bập ngay phải câu hỏi khó khi làm bài thi. Điều này, có thể các địa phương chưa thực hiện được khi xây dựng đề khảo sát.

Ngoài việc mời các chuyên gia thực hiện viết câu hỏi thô, biên tập, lựa chọn, thẩm định các câu hỏi, Bộ GD&ĐT còn tiến hành các bước thử nghiệm câu hỏi thi và đề thi. Sau đó, Bộ sẽ phân tích, độ khó, độ tin cậy của các câu hỏi thi, rà các phương án “nhiễu” của câu hỏi thi…

Mỗi câu hỏi được chuẩn chỉnh sau khi thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng. 100% số câu hỏi đã biên tập, lựa chọn và thẩm định được tiến hành thử nghiệm và đặc biệt có bước thử nghiệm đề thi vào cuối tháng 4, khi các em học sinh đã hoàn thành chương trình học tập toàn khóa để phân tích đề thi và cân bằng độ khó giữa các đề thi, đảm bảo các đề thi có độ khó hoàn toàn tương đương nhau…

Cao Huyền