Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học và coi trọng người thầy. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” được hun đúc từ “đạo làm người” đã tạo thành dòng chảy bao đời không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, dù có gặp phong ba bão táp hay vất vả đắng cay truyền thống đó mãi mãi giữ nguyên giá trị.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nhắc nhở con người về sự Tôn sư trọng đạo: "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", “Công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy”.

Khi đạo lý bị coi thường...! - Hình 1

“Cơ chế thị trường”, “Văn hóa hội nhập”... làm giảm sút nghiêm trọng sự trân trọng của xã hội đối với người Thầy (Ảnh minh họa)

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành một nét đẹp văn hóa, đạo đức quý giá của người Việt. Nhờ coi trọng việc học tôn kính người thầy, nhân dân ta đã góp phần tạo dựng nền văn hiến của đất nước.

Thời đại nào cũng có nhiều tấm gương hiếu học, nhiều người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Có những người thầy đã xa khuất mà tài năng, nhân cách vẫn tỏa sáng cho bao nhiều thế hệ mai sau. Có những học trò đỗ đạt, làm quan to nhưng khi trở về thăm thầy giáo cũ đứng vòng tay cúi đầu lễ phép cất tiếng chào thầy như người trò nghèo thuở còn cắp sách...

Vậy mà vào sáng 28/2, Trường Tiểu học Bình Chánh xảy ra chuyện chưa từng có. Cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung phải quỳ gối hơn 40 phút trước mặt phụ huynh học sinh.

Lý do, những bậc cha mẹ này gây sức ép, bắt cô Nhung phải quỳ gối để hiểu cảm giác mà con họ phải trải qua khi bị cô áp dụng hình phạt tương tự trên lớp. Đáng buồn và xót xa hơn, sự việc này lại được diễn ra ngay tại Văn phòng Ban giám hiệu nhà trường, trước sự chứng kiến của Hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch Hội phụ huynh, toàn thể giáo viên và học sinh trong trường.

Khi đầu gối của cô Nhung chạm đất trước sự quay lưng của hiệu trưởng nhà trường, sự ấu trĩ của phụ huynh, sự bất lực của giáo viên, trong phút chốc đã biến truyền thống "tôn sư trọng đạo" mà người Việt vốn coi trọng và coi đó như một niềm tự hào của dân tộc mất đi sự trân trọng quý báu.

Đất nước bước vào hội nhập, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, khoa học - công nghệ phát triển lên tầm cao mới. Nhưng cũng chính từ “cơ chế thị trường”, “văn hóa hội nhập”... đã làm biến dạng nền văn hoá truyền thống, làm giảm sút nghiêm trọng sự trân trọng của xã hội đối với người thầy.

Thử hỏi, sau sự cố này, có người thầy nào không đau, không tổn thương và còn mấy ai còn giữ được cái tâm với nghề? Liệu lớp trẻ sau này, còn mấy ai có đam mê đủ can đảm chọn nghề giáo viên? Nền giáo dục rồi sẽ về đâu...? Tương lai của các thế hệ sau này sẽ về đâu...?

Chúng ta cần phải lên án, cần phải đấu tranh để bài xích những hành động ngông cuồng ấu trĩ đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Nguyễn Mạnh Hùng