Hàng loạt “ông lớn” không có lãi
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 7 tháng, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước đạt 276 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 76 triệu USD, tăng 18,7%. Xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt phụ phẩm ăn được sau giết mổ đạt 80 triệu USD, tăng 36,5%.
Việt Nam có tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới (khoảng 25 triệu con, tương đương 3,1 triệu tấn). Trong nửa đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 19.000 tấn thịt lợn (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh), trị giá trên 18,4 triệu USD. Với lợn sống, chỉ khoảng 6.800 con.
Ở chiều ngược lại, 7 tháng 2023, Việt Nam đã chi tới 2,01 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 732 triệu USD; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ ước đạt 752 triệu USD...
Trước cơn sóng nhập khẩu sản phẩm thịt, trứng, sữa giá rẻ ồ ạt tràn vào nước ta, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi đang loay hoay đối mặt với bao khó khăn chồng chất. Thị trường heo hơi liên tục “hạ nhiệt”, có địa phương đã chạm mốc giá thành sản xuất khiến doanh nghiệp, người dân đuối sức. Điều này thể hiện qua kết quả kinh doanh của một số "ông lớn" như BAF, Dabaco, GreenFeed...
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC). Quý III, DBC ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.700 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, lãi ròng chỉ đạt gần 13 tỷ đồng, giảm tới 94%. Đáng chú ý, chỉ 3 tháng trước, DBC công bố lợi nhuận khủng 327 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo DBC, giá heo hơi không còn duy trì đà tăng của quý trước đó là nguyên nhân khiến kinh doanh không như mong đợi.
Tương tự, hết quý III, công ty CP BAF Việt Nam (HoSE: BAF), chủ thương hiệu "heo ăn chay" đạt doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ chăn nuôi chỉ chiếm 1/3, đạt 416 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 143 tỷ đồng, giảm 34%. Biên lợi nhuận gộp đạt 12%, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Chi phí lãi vay tăng mạnh khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên 44 tỷ đồng, gấp gần 9 lần cùng kỳ. BAF kết thúc quý III với 39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 75% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, BAF đạt hơn 3.600 tỷ đồng doanh thu, giảm 26% so với cùng kỳ; lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt đạt 53 tỷ đồng và 51 tỷ đồng, giảm 82%. Kết quả này tương ứng thực hiện hơn 52% kế hoạch doanh thu và gần 18% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm được thông qua tại ĐHĐCĐ 2023.
Lãnh đạo BAF cho biết, quý III doanh nghiệp bán ra thị trường gần 77.000 con, với heo thịt chiếm 71%. Lũy kế 9 tháng, lượng heo thương phẩm cho ra thị trường là 210.000 con (61% là heo thịt).
Quy mô đàn tăng mạnh do nhiều trang trại mới đưa vào vận hành. Tính đến 30/9, BAF ghi nhận tổng đàn 300.000 con, lượng heo thương phẩm đạt 720.000 con, tương ứng tăng 30% và 50% so với đầu năm.
Một ông lớn khác trong ngành chăn nuôi cũng gặp khó đó là thương hiệu thịt heo G Kitchen của Công ty CP GreenFeed Việt Nam, báo lỗ gần 20 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Vốn chủ sở hữu công ty này đạt 3.543 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,56 lần, tương ứng quy mô nợ phải trả đến cuối quý II năm nay là 5.527 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ là 0,28 lần, tương đương 980 tỷ đồng.
Phải cạnh tranh gay gắt với thịt đông lạnh nhập khẩu
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi và người chăn nuôi như: chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế. Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng do phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các nước (hàng tỷ USD mỗi năm), khiến giá thành sản xuất “đội lên”, bởi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng từ 60 đến 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi. Giá thịt lợn giảm...
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai (thủ phủ chăn nuôi cả nước), khoảng 1 tháng trước, giá heo hơi ở mức khoảng 60 ngàn đồng/kg, nhưng vài ngày trở lại đây liên tục giảm xuống còn 55-56 ngàn đồng/kg, một số địa phương đã giảm chạm mức giá thành sản xuất là 54 ngàn đồng/kg.
Thị trường heo hơi của Việt Nam biến động do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới. "Giá heo giảm do tình trạng nhập heo giá rẻ từ Thái Lan, Campuchia và nhiều quốc gia khác (giá chỉ khoảng 40.000/kg) và dịch tả lợn châu Phi khiến người dân đua nhau bán ra thị trường", ông Đoán cho biết.
Cũng theo đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, việc liên tục nhập khẩu thịt ngoại vào khi nhu cầu trong nước đã đủ khiến cung vượt cầu, cộng thêm giá thịt nhập khẩu rẻ hơn giá thịt nội địa khiến người chăn nuôi trong nước không cạnh tranh lại các doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề giá cả phụ thuộc nhiều vào quy luật cung - cầu của thị trường.
Hoàng Bách