Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/01/2014. Nghị định này quy định cụ thể về phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, theo kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản (nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá hoa), nếu Nghị định trên được áp dụng “nguyên trạng” sẽ khiến cho hầu hết các doanh nghiệp đi đến...phá sản.
Ảnh: Một khu vực khai thác đá hoa trắng tại huyện Quỳ Hợp nằm trong diện phải đóng tiền cấp quyền khai thác theo Nghị định 203
Thực tế và Nghị định còn có “độ vênh”?
Căn cứ theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP được chính phủ ban hành vào ngày 28/11/2013 và có hiệu lực vào ngày 20/01/2014, quy định về phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trong đó tiền cấp quyền cho đá vôi trắng sẽ được tính dựa trên trữ lượng địa chất được cấp trên giấy phép.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp đang khai thác trên địa bàn huyện Quỳ Hợp thì tỷ lệ thu hồi thực tế đối với đá hoa làm ốp lát chỉ đạt từ 3-5%, đối với đá hoa làm bột Canxi cacbonat chỉ đạt tối đa 40%.
Giải thích cho việc trên, ông Nguyễn Trung Hải – Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Hiện, chúng ta chưa có quy trình và phương pháp thăm dò phù hợp đối với đá hoa làm ốp lát và phụ gia công nghiệp. Cụ thể, thứ nhất đá vôi trầm tích bị chất tạo thành đá hoa bị nhàu nát, om rạn nhiều, rất nhiều khe nứt nội sinh mà trong quá trình thăm dò chưa thể đánh giá chính xác được; thứ hai: Trong quá trình thăm dò chúng ta chưa tính đến tính tô điểm bề mặt một yếu tố hết sức quan trọng đối với đá ốp lát; thứ ba, trong quá trình thăm dò, việc chỉ cho phép mở moong khai thác thử theo đề án thăm dò được phê duyệt thường chỉ từ 50 đến 100m3 để xác định độ thu hồi là quá nhỏ, không thể đại diện cho toàn mỏ...”. Mặt khác, các chỉ tiêu được xây dựng để tính trữ lượng trước đây do không có kinh nghiệm nên không sát với yêu cấu thực tế của công nghệ và thị trường, có thể hiểu nôm na là có những khối đá trước đây chúng ta đưa vào để tính trữ lượng nhưng khi khai thác ra thì thị trường không chấp nhận (Có thể do màu sắc không đồng đều, vân vện, loang màu ...).
Vì những "lỗi kỹ thuật" trên, dẫn đên trữ lượng ghi trên giấy phép khác xa sản lượng, qua thực tế khai thác trong khoảng 4 năm vừa qua của các doanh nghiệp là nhỏ hơn hàng chục lần.
Trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 203 của Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp cũng chỉ ra rằng, chỉ tiêu giá tính trùng và không hợp lý. Lý giải về điều này, văn bản cho rằng, bản chất thu tiền cấp quyền là thu trên giá trị tài nguyên nguyên khai, trong khi đó, chỉ tiêu giá đưa vào công thức tính tiền cấp quyền lại tính theo giá tính thuế tài nguyên. Trong giá này, ngoài giá trị tài nguyên còn hàng loạt chi phí khác như chi phí thăm dò cấp phép, xây dựng cơ bản mỏ phân bổ, chi phí lương, nhiên liệu, vật tư, khấu hao máy móc và hàng loạt chi phí khác...
Tất cả các chi phí này là do doanh nghiệp bỏ ra, cao thấp là phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, từng vùng, từng thời điểm, nó không chỉ là giá của tài nguyên. Giá này biến động liên tục và theo luật, khi thay đổi trên 20% thì UBND tỉnh sẽ quyết định lại. Và, trên thực tế, hầu như năm nào cũng điều chỉnh, trong khi đó, Nghị định 203 lại lấy giá này làm cơ sở tính tiền cấp quyền, thời gian 05 năm là bất hợp lý. Đó là chưa kể đến các biến động xấu về thị trường và sự cạnh tranh của các quốc gia khác có tài nguyên đá trắng chất lượng tốt, đáp ứng thị trường quốc tế.
Mặt khác, trong Nghị định quy định trường hợp trong một khu khai thác, có nhiều loại và mỗi loại có mức giá khác nhau thì việc áp dụng giá trị trung bình các mức giá là không hợp lý.
Một điều cũng không thể không nhắc tới trong kiến nghị này, đó là hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác đối với phương pháp khai thác lộ thiên K1=0,9 là không thực tế. Bởi, theo nhiều doanh nghiệp, hầu hết các mỏ hệ số K1 chỉ có thể đạt được tối đa khoảng từ 0,6 đến 0,8.
Một điều cũng khó có tính khả thi trong Nghị định 203 là việc truy thu tiền cấp quyền từ ngày Luật khoáng sản có hiệu lực thi hành (tức là từ 01/7/2011). Theo phân tích, từ khi doanh nghiệp được cấp phép đến thời điểm Nghị định nói trên có hiệu lực thi hành thì tất cả các doanh nghiệp không đưa phí cấp quyền vào chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, giá bán hàng, quyết toán thuế với nhà nước cũng trên cơ sở này và hàng năm đã quyết toán tài chính, quyết toán thuế. Vì thế, đến nay các doanh nghiệp không thể cân đối tài chính để nộp, hơn nữa nếu nộp trên sản lượng thực tế thì nhiều doanh nghiệp còn có thể xoay xở, còn nếu nộp theo trữ lượng ghi trên giấy phép thì số tiền này còn cao hơn cả doanh số bán hàng của doanh nghiệp, nếu tính toàn bộ tiền cấp quyền thì số tiền đó sẽ lớn hơn cả số tiền của toàn bộ dự án mà doanh nghiệp đã được phê duyệt và đang thực hiện thì đó là điều hết sức phi lý!
Cần có sự điều chỉnh?
Sau khi chỉ ra những vấn đề còn bất cập trong Nghị định 203 khi áp dụng vào thực tế, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp đưa ra quan điểm rằng: Các doanh nghiệp ủng hộ và sẽ chấp hành nghiêm chỉnh việc nộp tiền cấp quyền khai thác, nhưng phải phù hợp với thực tế trữ lượng khoáng sản có thể thu hồi được. Nếu nhà nước thu tiền cấp quyền theo đúng như nội dung trong Nghị định 203 thì tất các các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ vô cùng khó khăn và buộc phải tạm ngừng sản xuất để tìm biện pháp tháo gỡ. Theo đó, nhiều hệ lụy sẽ nẩy sinh; trước hết là hàng ngàn lao động sẽ không có việc làm, doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư khi bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí nạn khai thác khoáng sản trái phép sẽ quay trở lại.
Ông Nguyễn Trung Hải - Phó chủ tịch hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Quỳ Hợp, kiến nghị: “Trước những thực trạng tồn tại khi thực hiện Nghị định 203, chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền tính toán lại để tính tiền cấp quyền trên sản lượng thực tế và giá hợp lý với giá trị thực của tài nguyên. Đồng thời, xem xét lại việc truy thu tiền cấp quyền từ khi Luật khoáng sản mới có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2011”.
Phải hài hòa lợi ích
Đất đai, tài nguyên dưới lòng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đó. Khi doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép khai thác tài nguyên thì quyền sở hữu tài nguyên khoáng sản đã chuyển sang cho doanh nghiệp. Bởi vậy, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải trả tiền cấp quyền khai thác là thể hiện sự công bằng xã hội.
Luật Khoáng sản 2010 được xây dựng với chủ trương đúng đắn, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản...
Nghị định 203 ra đời để hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản là đúng lộ trình, cấp thiết, đảm bảo tính pháp lý, phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước, và thực sự là một cuộc cải cách công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Thực hiện Nghị định 203 là để có nguồn thu đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra; hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, nhỏ lẻ, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, không có khả năng cạnh tranh, từ đó quản lý tài nguyên khoáng sản có hiệu quả hơn.
Khai thác và chế biến đá hoa trắng là một nghành mới trong công nghiệp của chúng ta , nó tạo ra hai dòng sản phẩm chính là ốp lát cho xây dựng và phụ gia cho công nghiệp mà trước đây chúng ta đều phải nhập khẩu rất tốn kém và hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đầu tư khá quy mô.
Tuy nhiên, trước những bất cập còn tồn tại như nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất cũng như những khó khăn khi doanh nghiệp phải đối mặt khi thi hành Nghị định này. Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét thật kỹ lưỡng để có sự điều chỉnh hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – Doanh nghiệp - Người dân địa phương nơi có khoáng sản, tạo sự công bằng xã hội và phát triển bền vững.
PV