Cụ thể, theo Bộ Công Thương, các tài khoản chào hàng trung gian (bán hàng trên mạng xã hội), địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng.

Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.

Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Trước đây, các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển, thì nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.

Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở vi phạm trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng, kiểm tra cơ sở vi phạm trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Các hành vi vi phạm chủ yếu trên nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, như vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa; Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.

Theo Bộ Công Thương, trước đây Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) đã từng phối hợp với các lực lượng phát hiện nhiều kho hàng với diện tích rất lớn đặt tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai… chứa hàng trăm nghìn mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Gucci, Nano J.Plus… Các đối tượng đã trực tiếp sản xuất và đăng bán thông qua livestream trên mạng xã hội.

Đặc biệt, mới đây nhất (ngày 5/11/2024), Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra, thu giữ hàng chục xe điện không rõ nguồn gốc xuất xứ tại quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Tiến hành kiểm tra trên các nền tảng thương mại điện tử, đoàn kiểm tra phát hiện, nhiều chủng loại hàng hóa tại hộ kinh doanh đều được giới thiệu trên trang web: xedienmanhphat.vn. Mặc dù có chức năng đặt hàng trực tuyến, tuy nhiên website này không thực hiện thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, trên nền tảng TikTok với tài khoản Xe điện M.P cũng đăng tải nhiều video giới thiệu về các sản phẩm. Tài khoản này có trên 200.000 lượt follow và hơn 3,3 triệu lượt thích. Mỗi bài đăng thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt tương tác.

Trao đổi trước báo chí, ông Trần Huy Hải, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho biết, quá trình kiểm tra, đơn vị đã phát hiện 3 hành vi vi phạm chủ yếu của địa điểm kinh doanh này, gồm kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không thông báo website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Để ngăn chặn hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong những tháng cuối năm 2024 và dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã yêu cầu các đơn vị xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng Kế hoạch, phương án kiểm tra kiểm soát thị trường và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội công tác.

Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại.

Kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.

Tuấn Ngọc (t/h)