THCL “Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn ODA giảm; nợ công tăng cao, bội chi ngân sách lớn…, tôi nghĩ, sẽ khó thu xếp được gói tín dụng ưu đãi tiếp theo” – Đó là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, liên quan tới vấn đề người thu nhập thấp mong chờ gói vay ưu đãi nhà ở giá rẻ mới.

Khó thu xếp được gói tín dụng mua nhà giá rẻ - Hình 1

GS. Đặng Hùng Võ

Theo ông, năm 2017, BĐS có phải là kênh đầu tư an toàn?

Tôi cho rằng, năm 2017, đầu tư BĐS vẫn là kênh thương mại an toàn, bởi dù kinh tế thế giới có lên xuống thì BĐS vẫn tồn tại và không hề bị mất đi.

Đầu tư vào các lĩnh vực khác như thị trường chứng khoán nếu suy giảm thì sự thật chúng ta chỉ còn… giấy thôi. Đầu tư vào BĐS, giá trị sử dụng của nó, kể cả trong trường hợp thị trường này đi xuống thì BĐS vẫn còn tồn tại.

Kinh tế thế giới hiện nay, độ biến động khá cao, thể hiện ở việc nhiều tư duy phát triển đang có xu hướng bị lệch lạc. Ví như, những tư duy về “chủ nghĩa dân túy” trong quá trình phát triển co hẹp lại tính dân tộc nhiều hơn là mở rộng mang tính cộng đồng, điều này cũng tạo ra những thay đổi mang tính nhất định. Việc có thể đầu tư vào thị trường tài chính để sinh lợi, được một số chuyên gia cho rằng không nên bởi độ rủi ro rất cao.

Vậy thì, chỉ có đầu tư vào BĐS là an toàn hơn. Hơn nữa, nếu có trường hợp thị trường BĐS đi xuống, dù có thể bị lỗ nhưng nếu cứ để tiếp thì đến một lúc nào đó sẽ tự phục hồi. Bởi chúng ta biết, thị trường BĐS lên xuống có chu kỳ, chỉ cần giải quyết việc chịu áp lực từ đồng vốn đầu tư vào BĐS. Nếu bằng vốn tự có, vốn tiết kiệm của cá nhân thì việc đầu tư vào BĐS khá an toàn...

Không phải DN nào cũng mặn mà với nhà ở giá rẻ. Theo ông, các DN đang gặp khó khăn gì khi phát triển phân khúc này?

Nhà ở giá rẻ, một khi hướng tới việc hạ giá của một đơn vị BĐS thì chắc chắn tiền đất dự án phải rẻ. Đồng thời, chúng ta phải có giải pháp công nghệ làm sao để có thể tạo được giá thành rẻ.

Thực tế, đối với NOXH, Nhà nước đã tạo điều kiện cho vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ; tuy nhiên đến hết 2016, gói này đã kết thúc, việc mở gói mới, Chính phủ có cam kết, nhưng mở với tổng lượng tiền là bao nhiêu thì đó là một vấn đề khó khăn khi thu xếp từ nguồn ngân sách. Bởi hiện nay, ngân sách đang hạn hẹp, ODA cũng bị giảm; nợ công thì tăng cao, bội chi ngân sách lớn… Với “hoàn cảnh” như vậy, tôi nghĩ, sẽ khó thu xếp được gói tín dụng ưu đãi tiếp theo.

Dù thế nào đi chăng nữa thì phân khúc này cũng khó đầu tư, khả năng sinh lợi không lớn.

Đầu tư vào BĐS, các NĐT thường tính toán những thời điểm tạo ra bước nhảy về lợi ích. Chẳng hạn, một ngữ cảnh nào đó, giá tăng vọt thì chỉ trong 1 tuần có thể gặt hái được gấp nhiều về lợi ích, thực tế, các NĐT vẫn “ưa” đầu tư theo kiểu mạo hiểm như vậy. Nhưng trong khu vực giá rẻ, không bao giờ có ngữ cảnh mạo hiểm, bởi vì giá luôn phải rẻ mới đảm bảo khả năng thanh toán cho người mua; hơn nữa lại được những ưu đãi của Nhà nước nên NĐT không thể tạo ra những bước nhảy đáng kể trong việc gặt hái lợi ích. Chính vì vậy, không thu hút được các NĐT tham gia vào khu vực này.

Ông đánh giá ra sao về việc vừa qua, một số “ông lớn” BĐS tuyên bố sẽ mạnh tay đầu tư vào thị trường nhà giá rẻ?

Vừa qua, một số DN tuyên bố sẽ cung cấp ra thị trường nhà ở giá phù hợp, thậm chí ở mức rẻ; sau đó Tập đoàn Mường Thanh lại tiếp tục đưa ra lời thách đố “còn rẻ hơn”…, tôi cho rằng, đó là những tín hiệu tích cực. Bơi lẽ, các NĐT bắt đầu tin rằng, đầu tư vào phân khúc giá rẻ có lợi - đó cũng là nghĩa vụ xã hội các NĐT phải làm.

Việc đưa ra chính sách của Nhà nước là một chuyện. Nhưng chúng ta động viên được DN tham gia vào lĩnh vực này thì đó là điều quan trọng hơn. Vì Nhà nước không có đủ tiền để đi giải quyết tất cả nhà ở cho người thu nhập thấp, mà chúng ta cần phải dựa vào DN. Những tuyên bố của Vin Group và Mường Thanh - đó là những dấu hiệu khá tích cực.

Không ít đại gia đầu tư vào phân khúc giá rẻ, liệu rằng thị trường có những hệ lụy?

Thị trường BĐS đang rất thiếu nhà ở giá rẻ, trong khi cầu đòi hỏi rất cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, những người chỉ có khả năng mua được ở phân khúc giá rẻ này chiếm tới 80% dân số, trong khi cung mới đạt khoảng 20%. Như thế thì không nên lo ngại có chuyện các NĐT “đụng nhau” ở đây, chỉ sợ họ… chạy chốn khỏi khu vực này thôi!

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 Kiều Tuyết (Thực hiện)