Được triển khai bởi Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy điện - một đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Kosy, nhà máy thủy điện Nậm Pạc có tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng, với tổng công suất lắp máy 34MW. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý IV/2020, nhà máy thủy điện Nậm Pạc sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình khoảng 150 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời sẽ mang lại doanh thu khoảng 240 tỷ đồng/ năm cho chủ đầu tư và đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 36 tỷ đồng/ năm.
Tổ hợp nhà thầu thi công công trình là Tổng công ty Sông Đà và Công ty TNHH Thái An (Hồ Nam) – đơn vị chuyên xây dựng các công trình thủy điện lớn đến từ Trung Quốc.
Lễ động thổ của dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Pạc
Tập đoàn Kosy và bước tiến mới chiến lược
Với nhu cầu điện ở Việt Nam được ước tính sẽ tăng 12% mỗi năm, chính phủ đã đặt mục tiêu tạo ra 265 tỷ kWh điện vào năm 2020 và 570 tỷ kWh điện vào năm 2030. Con số này cao gấp khoảng 3 lần hiện nay là 170 tỷ kWh. Điều này cho thấy nguồn cung và nhu cầu sử dụng nguồn điện năng chưa tương đồng, và việc xảy ra tình trạng thiếu điện là rất rõ ràng.
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là lớn, thị trường có và các cơ chế khuyến khích đầu tư có. Do đó, việc phát triển các dự án năng lượng như thủy điện, sản xuất tạo nguồn cung điện năng hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia là chủ trương đầu tư được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để triển khai.
Nhận thấy những tiềm năng này và nắm bắt cơ hội để tiến những bước tiến chắc chắn, cùng chiến lược phát triển dài trong lĩnh vực năng lượng, nhà máy thủy điện Nậm Pạc được khởi công đã minh chứng cho hướng đi đúng đắn và tầm nhìn nhanh nhạy cùng thời cuộc của Tập đoàn Kosy.
Thành lập năm 2008, Tập đoàn Kosy đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành với 10 công ty thành viên, liên kết hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, công nghệ thông tin và thủy điện - năng lượng tái tạo, trong đó, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn.
Hàng loạt các dự án bất động sản đã được Tập đoàn Kosy đầu tư triển khai thành công tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Khu đô thị Kosy Mountain View (Lào Cai), Khu đô thị Kosy Sông Công, Khu đô thị Kosy Gia Sàng (Thái Nguyên), Khu đô thị Kosy Bắc Giang, Khu dân cư đô thị Cầu Gồ (Bắc Giang), cùng nhiều dự án có quy mô lớn hơn thuộc các phân khúc cao hơn cũng đang được Tập đoàn Kosy xúc tiến triển khai đầu tư tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Sa Pa, Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình,…
Đặc biệt, tháng 8/2018, Tập đoàn Kosy đã khai trương văn phòng đại diện tại TP. HCM, chính thức Nam tiến bắt đầu các kế hoạch rõ ràng, thể hiện tham vọng lớn chinh phục thị trường khó tính phía Nam với các dự án bất động sản tại TP HCM và các khu vực tỉnh lân cận, cùng các dự án năng lượng mặt trời tại Bình Thuận.
Việc nhà máy thủy điện Nậm Pạc được khởi công đã đánh dấu bước tiến dài trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Kosy khi tấn công sang lĩnh vực năng lượng sạch. Đây là chiến lược quan trọng, nhằm khẳng định uy tín, đảm bảo doanh thu - lợi nhuận ổn định tạo đà phát triển bền vững cho Tập đoàn trong dài hạn.
Phát biểu nhân dịp khởi công nhà máy thủy điện Nậm Pạc, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Kosy chia sẻ: “Đây thực sự là một dấu mốc rất quan trọng đối với Tập đoàn Kosy bởi nó cho thấy những thành công bước đầu của chúng tôi khi bước chân sang một lĩnh vực mới là thủy điện và năng lượng tái tạo…”
Không giấu giếm sự tự tin cùng tham vọng lớn, ông cũng cho biết: “Với doanh thu ổn định có được từ nhà máy, chúng tôi đặt mục tiêu cân bằng thu hồi vốn trong khoảng chỉ 6 - 8 năm sau khi phát điện chính thức…”
Tại sự kiện, ông Hồ Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà – đơn vị tổng thầu xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Pạc cũng khẳng định sẽ thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư, triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động và đặc biệt là tiến độ đã đề ra.
Dưới góc độ chuyên môn, đánh giá về thành công này của Tập đoàn Kosy, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến – Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam cho biết: “Nhà máy thủy điện Nậm Pạc không chỉ có ý nghĩa đối với nhà đầu tư, mà còn kích thích phát triển kinh tế - xã hội địa phương và góp phần ổn định năng lượng quốc gia…”
Bên cạnh đó, đại diện chính quyền địa phương cũng yêu cầu Tập đoàn Kosy huy động đủ nguồn lực, máy móc thiết bị... đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, đúng thiết kế, an toàn trong lao động, kịp hoàn thành và phát điện hòa lưới quốc gia vào quý IV/2020. Các sở ngành, phòng ban, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong suốt quá trình xây dựng và vận hành nhà máy.
PV